Việc chăm sóc, giữ gìn sức khỏe mũi họng tưởng chừng rất đơn giản, nhưng có nhiều sai lầm gây tổn hại làm viêm mũi họng nặng hơn, đặc biệt là việc lạm dụng thuốc.
1. Rửa mũi, xịt mũi, nhỏ mũi thường xuyên
Nhiều người nghĩ sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng thường xuyên sẽ giúp tránh viêm nhiễm mũi họng. Tuy nhiên, niêm mạc mũi được phủ bởi lớp nhầy, có tác dụng bảo vệ mũi, giữ ẩm và giữ bụi. Việc thường xuyên xịt rửa mỗi ngày bằng nước muối sinh lý khi mũi không bị bệnh không đem lại lợi ích gì mà còn có hại thêm. Xịt rửa mũi thường xuyên làm tổn thương, chỉ thực hiện vệ sinh mũi khi bị bệnh viêm hô hấp, theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
2. Lạm dụng thuốc chống nghẹt mũi
Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm thuốc không kê toa có tác dụng chống tắc mũi, cả dạng nhỏ giọt, dạng xịt và dạng uống. Chúng thường xuyên được mua bán cho những bệnh nhân bị cảm, viêm mũi… Các thuốc này làm giảm sự tắc nghẽn do sưng nề mô mềm ở trong mũi, giúp cho luồng không khí ra vào được ở cả 2 bên mũi một cách dễ dàng hơn. Thuốc xịt chống nghẹt mũi nếu dùng thời gian dài dẫn đến phụ thuộc thuốc và phản ứng ngược (nghĩa là chứng nghẹt mũi tái lại và tệ hơn ban đầu sau khi ngưng thuốc), trong khi đó thuốc chống nghẹt mũi dạng uống lại có thể gây tăng nhịp tim và huyết áp. Không dùng thuốc này cho trẻ nhỏ.
3. Lạm dụng dung dịch sát trùng họng - miệng
Các dung dịch được quảng cáo có tính sát trùng họng, tạo hơi thở thơm mát… rất được ưa chuộng vì nhiều người cho rằng nếu súc họng thường xuyên bằng các dung dịch này sẽ giúp sát trùng, hơi thở thơm tho… Tuy nhiên đa số các dung dịch có hương thơm và vị cay mát là dung dịch có độ cồn cao, và không phù hợp với sinh lý niêm mạc họng, miệng. Việc súc họng nhiều lần một ngày với những thứ dung dịch này lâu dài dẫn đến những biến đổi mạn tính của niêm mạc, có thể có liên quan với sự gia tăng nguy cơ ung thư tại chỗ.
4. Tự pha nước muối tại nhà để vệ sinh mũi họng
Nước muối sinh lý thường xuyên được các bác sĩ kê để bệnh nhân vệ sinh mũi họng. Chúng ta biết rằng, dung dịch nước muối được gọi là sinh lý với niêm mạc họng miệng, mũi là dung dịch có nồng độ 0,9%. Nghĩa là trong 100 ml dung dịch đó chỉ có 0,9g muối mà thôi.
Theo Sức khỏe và đời sống