Đàn ong mật hàng nghìn con tấn công nhóm người, trong đó 4 trường hợp bị nhiễm độc nặng với hơn 50 vết đốt ở vùng, đầu, mặt, cổ.
Ngày 8.11, bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết đây là lần đầu tiên bệnh viện cấp cứu hàng loạt bệnh nhân bị ong chủ động tấn công. Trước đây, hầu hết ca bệnh xảy ra đơn lẻ do vô tình chạm vào tổ ong hoặc khi lấy mật.
Theo lời kể bác sĩ, nhóm bệnh nhân đang chơi thể thao ở bãi cỏ, cách bìa rừng khoảng 15 m thì xuất hiện khoảng hai đến ba con ong khoái bay đến đốt. Do hoảng sợ, một người đã đánh chết ong. Một lát sau, đàn ong hàng nghìn con kéo đến tấn công nhóm. Một số trường hợp bị ong đậu kín trên da vùng đầu, mặt, cổ, hai cánh tay. Có người phải chạy hàng cây số mới thoát khỏi sự truy đuổi của ong.
Bác sĩ cho hay nhóm người bị ong khoái, còn gọi ong mật khổng lồ Đông Nam Á (Apis dorsata) tấn công. Có 4 người bị nhiễm độc nặng do bị hơn 50 vết ong đốt ở vùng đầu, mặt, cổ, phải nhập khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, trong đó hai bệnh nhân gặp sốc phản vệ.
Kíp trực đã tiêm adrenalin, truyền dịch, dùng thuốc vận mạch, chống sốc, đồng thời giảm đau cho người bệnh, ngăn biến chứng nặng. Trong quá trình cấp cứu, nhân viên y tế còn bắt được ba con ong và nhổ được rất nhiều ngòi ong trên cơ thể người bệnh.
Những trường hợp bị ong đốt ít nốt hơn, triệu chứng nhẹ, đã xin về nhà điều trị khi sức khỏe ổn định.
Ong khoái là một trong những loài nguy hiểm, có độc tính cao nhất. Vũ khí chính của chúng là những ngòi chích dài tới 3 mm, dễ dàng xuyên qua quần áo, thậm chí cả lớp lông của một con gấu. Đàn ong khoái rất đông đảo, gồm một ong chúa và nhiều ong thợ.
Khi bị ong đốt, nạn nhân sẽ đối diện với ba nguy cơ nguy hiểm: sốc phản vệ do nọc độc của ong, biến chứng suy đa tạng do nọc độc của ong (hay gặp nhất là suy thận cấp, suy gan cấp, rối loạn đông máu) và nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập qua vết đốt của ong (nguy hiểm nhất là vi khuẩn uốn ván).
Trường hợp bị ong đốt một đến hai nốt, nạn nhân có thể bình tĩnh sơ cứu và lấy nọc độc bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp gắp từng vòi chích của ong ra. Sau đó, người bệnh theo dõi sức khỏe tại nhà, khi có những dấu hiệu bất thường cần tới bệnh viện.
Trường hợp bị ong đốt 5-10 nốt trở lên, hoặc chỉ vài nốt nhưng có dấu hiệu nặng như sưng đau, cảm giác khó chịu, mệt mỏi, hay bị đốt ở đầu, mặt cổ..., bệnh nhân nên đến viện càng sớm càng tốt để được cấp cứu kịp thời.
Theo VnExpress