Cá được biết đến là thực phẩm rất tốt cho sức khoẻ, tuy nhiên, có một số loại cá lại được các chuyên gia khuyến cáo không nên ăn.
Cá ngừ vây xanh
Trang Onemedical cho biết, vào tháng 12/2009, Quỹ Động vật hoang dã thế giới đã đưa cá ngừ vây xanh vào danh sách các loài vật bị đe dọa. Đáng nói, cá ngừ vây xanh có hàm lượng thủy ngân cao và PCB của chúng cao đến mức Quỹ Bảo vệ môi trường (EDF) khuyến cáo không nên ăn loại cá này.
Nếu chúng ta tiêu thụ lượng nhỏ thủy ngân, cơ thể sẽ không có quá nhiều phản ứng bất lợi, nhưng thủy ngân có thể tích tụ trong cơ thể, tiêu thụ lâu dài có nguy cơ ngộ độc thủy ngân.
Ngộ độc thủy ngân không chỉ làm tổn thương niêm mạc miệng mà còn có tác động làm ăn mòn đến đường tiêu hóa, thận và mao mạch.
Cá muối mặn
WHO đã liệt kê cá muối mặn là món ăn gây ung thư hàng đầu, đặc biệt là ung thư vòm họng. Lý do là bởi những thực phẩm được bảo quản bằng muối thường rất giàu nitrite, chỉ cần tiêu thụ 0,3 đến 0,5 gram nitrite cũng đủ gây ngộ độc và hơn 3 gram có thể gây tử vong.
Nitrite cũng có thể phản ứng với protein amin để tạo thành nitrosamine - chất gây ung thư cực mạnh và là 1 trong 4 hóa chất gây ô nhiễm chính trong thực phẩm. Chất này có thể làm tăng nguy cơ hình thành các khối u ở hệ tiêu hóa.
Cá thu vua
Nhìn chung, cá thu vua là nguồn cung cấp omega-3 đặc biệt tốt, có thể trở thành một phần của chế độ ăn uống lành mạnh. Nhưng cá thu vua - nhất là những con đánh bắt ở vùng biển Thái Bình Dương - có hàm lượng thủy ngân cao. Trẻ nhỏ và phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú nên tránh hoàn toàn loại cá này.
Cá tráp cam (Orange Roughy)
Loài cá này có vẻ ngoài sần sùi màu cam và có thể sống đến 150 tuổi. Chính điều này đã khiến cá tráp cam tiếp xúc với nhiều yếu tố không tốt như thủy ngân, trong thời gian dài.
Cá rô đại dương
Khác với cá rô đồng, cá rô đại dương bị Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xếp vào những loại cá dễ bị nhiễm thủy ngân nhất do sống ở tầng đáy biển (80% thủy ngân ở tầng nước trên đã bị phá hủy bởi ánh sáng mặt trời).
Ngoài ra, chúng còn là loài ăn tạp nên rất dễ bị nhiễm các loại độc tố và vi sinh vật sống trong môi trường nước.
Việc tiêu thụ lâu dài có thể gây nguy cơ ngộ độc thủy ngân, gây tổn thương niêm mạc miệng, răng và làm ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, thận nghiêm trọng.
TB (tổng hợp)