Thấm nhuần sự sáng tạo, trách nhiệm và sẵn sàng thử những điều mới là những phẩm chất cần có nếu con bạn muốn trở thành doanh nhân trong tương lai
Có những đứa trẻ lớn lên sẵn sàng tiếp nhận thế giới. Chúng có thái độ, kỹ năng và có thể phát hiện ra những cơ hội phù hợp. Chúng hào hứng với cuộc sống, chuẩn bị sẵn sàng và hiểu rằng có thể sẽ phải đối mặt với bất cứ vấn đề gì trong cuộc sống.
Để trở thành một doanh nhân thành công đòi hỏi sự sáng tạo, sự đồng cảm, kỹ năng giao tiếp, khả năng giải quyết vấn đề, giải quyết bài toán thực tế và sự tự tin cần thiết.
Cách dạy con có nhận thức về tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp và các kỹ năng liên quan không chắc chắn giúp con sẽ thành doanh nhân trong tương lai nhưng ít nhất, bộ kỹ năng cần thiết này sẽ hướng chúng nắm bắt những cơ hội phù hợp trong tương lai.
Sau khi thu thập những câu chuyện từ hơn 200 phụ huynh, tờ Entrepreneur đã tìm thấy bốn nền tảng quan trọng trong việc cách dạy con trẻ đam mê kinh doanh khởi nghiệp.
1. Phát triển tư duy kinh doanh
Cha mẹ nên sớm dạy con thấm nhuần những niềm tin, giá trị phù hợp với tinh thần kinh doanh như: "thất bại là mẹ thành công", cơ hội kiếm tiền bên ngoài rất nhiều...
Tư duy kinh doanh sẽ cho con nhận thức về các cơ hội có thể tạo ra thứ gì đó có giá trị, kiếm tiền theo nhiều cách khác nhau.
Thay vì xem xét lao động làm việc là việc khó khăn, phải chịu đựng thì cha mẹ có thể cho con hiểu rằng làm công việc yêu thích vô cùng thú vị, sáng tạo và tạo nguồn thu.
2. Dạy con kỹ năng kinh doanh
Cho con cơ hội phát triển các kỹ năng như bán hàng, quảng cáo, tiếp thị, tạo sản phẩm, kế toán, chăm sóc khách hàng, thỏa thuận, đàm phán và lãnh đạo.
Những kỹ năng cơ bản trong kinh doanh này không chỉ giúp con khi trở thành doanh nhân mà còn có thể thay đổi cuộc sống của bất cứ ai lựa chọn công việc gì.
Thay vì tập trung hoàn toàn vào các kỹ năng học tập cần thiết để đạt điểm cao, cách dạy con phát triển các kỹ năng mềm thường liên quan đến sự năng động.
3. Cho con cơ hội trải nghiệm thực tế
Học thông qua hành động. Cha mẹ nên cho trẻ thử nghiệm, mày mò và mắc lỗi để qua đó con rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân.
Thay vì che chở bao bọc con khỏi cạm bẫy cuộc sống, hãy cho chúng kỹ năng tự bảo vệ mình bằng cách trải nghiệm nhiều hơn trong cuộc sống thực.
Khuyến khích con làm sản phẩm kinh doanh qua nhiều phương thức từ truyền thống đến hiện đại như bán hàng cho hàng xóm, hay bán hàng qua mạng. Trò chuyện để hiểu về ý tưởng sản phẩm của con và hỗ trợ tiếp thị khi cần thiết.
4. Hướng dẫn gợi ý cho trẻ
Doanh nhân ở bất kỳ giai đoạn kinh doanh nào cũng cần có cho mình người thầy hướng dẫn hoặc cố vấn bên cạnh.
Cha mẹ có thể trở thành người hướng dẫn hoặc tìm cho con người cố vấn để hướng chúng tới những ý tưởng mới, hành vi tháo vát hơn mà không nhất thiết phải trả lời mọi câu hỏi của chúng.
Khuyến khích con trao đổi, nói chuyện, tìm hiểu về các doanh nhân thành đạt, những ông chủ hay những người phát minh ra sản phẩm hoặc quản lý doanh nghiệp thành công...
Trẻ em từ 4 tuổi có thể học về việc giúp đỡ người khác, được khen thưởng hay trả tiền để có được món đồ mình thích.
Đối với thanh thiếu niên, bạn nên dạy con qua việc khuyến khích sáng tạo, thử thách con kiếm tiền qua các kênh khác nhau.
Cuối cùng, bức tranh lớn về cách dạy con trẻ khởi nghiệp không nhằm tới mục đích biến con bạn trở thành Steve Jobs hay Anita Roddick tiếp theo. Điều quan trọng nhất là con bạn có thể hình thành cảm giác kiểm soát trong thế giới này. Chúng cảm thấy có sức mạnh để đặt ra những mục tiêu phù hợp cho bản thân và theo đuổi mục tiêu đã chọn.
Theo Vietnamnet