Cuộc họp báo định kỳ chiều 16-2 tại trụ sở Bộ VH - TT & DL biến thành cuộc chất vấn căng thẳng của báo chí về kết quả thanh tra hợp đồng bản quyền truyền hình.
- Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch nhận xét gì về thời hạn 20 năm của bản hợp đồng, nó có thích hợp với sự phát triển của bóng đá Việt Nam ?
Chánh thanh tra Vũ Xuân Thành: Chúng tôi làm thanh tra nên chỉ có thể kết luận bản hợp đồng này có đúng luật hay không. Còn việc bản hợp đồng này có thích hợp với sự phát triển của bóng đá Việt Nam hay không, có thỏa mãn các thành viên trong Liên đoàn bóng đá Việt Nam hay không thì phải do VFF, AVG và các CLB tự ngồi lại với nhau để giải quyết.
Chánh thanh tra Vũ Xuân Thành vất vả với các chất vấn của báo giới, chiều 16-2. Ảnh: Q.T. |
- VPF nói rằng họ có thể ký được hợp đồng 3 năm với giá trị cao hơn rất nhiều so với bản hợp đồng hiện tại. 20 năm lại là thời gian rất dài. Bộ có khuyến cáo với VFF về việc bàn thảo cùng AVG rút ngắn thời gian hợp đồng, tăng giá trị cho hợp với hoàn cảnh hiện tại, tránh gây tổn hại cho bóng đá Việt Nam ?
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn: Việc dự đoán sự phát triển bóng đá là rất khó. Chỉ từ năm 2010 đến năm 2011 thôi mà không ai dự đoán được những thay đổi bất ngờ đã diễn ra với sự ra đời của VPF. Về bản hợp đồng, tôi đồng ý với ý kiến của anh Thành đã nêu: Hãy để việc này lại cho nội bộ VFF và AVG. Những câu hỏi này để VFF bàn thảo vì hàng năm Liên đoàn vẫn có những cuộc họp bàn phương hướng phát triển bóng đá. Tới đây, VPF sẽ là một thành viên của VFF. Vậy họ sẽ cùng ngồi lại để tìm cách tháo gỡ các vấn đề. Hãy để việc đấu tranh lại cho nội bộ Liên đoàn bóng đá Việt Nam.
- Các đội tuyển quốc gia được nuôi bằng ngân sách nhà nước. Theo lập luận của đoàn thanh tra rằng "giải đấu của VFF thì thương quyền thuộc về VFF", thương quyền của các đội tuyển quốc gia phải thuộc về nhà nước, tức là Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch và dưới đó là Tổng cục TDTT, còn VFF chỉ là đơn vị quản lý. Nhưng VFF lại bán thương quyền các đội tuyển quốc gia thông qua AVG, như vậy có đúng luật không?
Ông Vũ Xuân Thành: Đúng là các đội tuyển quốc gia được nuôi bằng ngân sách nhà nước, được bộ Tài chính duyệt các khoản chi phí ăn, ở, đi lại. Những chi phí này không được tính là tiền đầu tư. Nên chúng tôi thấy việc VFF bán thương quyền của các đội tuyển quốc gia không cần phải qua đấu thầu.
- Thanh tra Bộ có bị áp lực nào chi phối khi phải kết luận về một bản hợp đồng do chính Bộ cho phép VFF ký kết ?
Ông Vũ Xuân Thành: Vấn đề bản quyền truyền hình được dư luận quan tâm và trong một cuộc họp báo có gần một trăm phóng viên tới dự như thế này, đoàn thanh tra không thể bị áp lực nào chi phối ngoài những điều khoản của Luật pháp. Đoàn thanh tra đã làm việc nghiêm túc và công tâm khi xem xét các vấn đề của bản hợp đồng.
- Thanh tra có nhận xét gì về cách ứng xử của VPF và VTC trong thời gian tranh chấp bản quyền truyền hình ?
Ông Vũ Xuân Thành: Đoàn thanh tra cho rằng, VPF và đài truyền hình VTC đã hành động sai chỉ đạo của Bộ. Lẽ ra cần tôn trọng bản hợp đồng đã ký cho đến khi giải quyết hết tranh cãi.
- Theo định nghĩa trong hợp đồng, tất cả các đài phát thanh, truyền hình, báo giấy, báo online… ở Việt Nam đều chịu dưới quyền điều phối của AVG khi muốn tác nghiệp tại các giải bóng đá chuyên nghiệp trong nước. Điều này có vi phạm Luật báo chí ?
Ông Vũ Xuân Thành: Đề nghị các báo gửi thắc mắc qua đường công văn. Thanh tra sẽ trả lời bằng văn bản. Báo chí nên tạm bằng lòng với kết quả trao đổi của buổi họp báo này, vì chắc chắn đây chưa phải là lúc để khép lại vấn đề.