Hậu trường nghề nghiệp của "người đàn bà thép" đứng sau xạ thủ Hoàng Xuân Vinh không có chỗ cho sự yếu lòng.
Câu chuyện của HLV đội tuyển bắn súng quốc gia Nguyễn Thị Nhung chia sẻ tại ĐH Phụ nữ toàn quốc sáng nay thu hút sự chú ý. Hậu trường nghề nghiệp của "người đàn bà thép" đứng sau xạ thủ Hoàng Xuân Vinh không có chỗ cho sự yếu lòng.
Asian Games 2010, Olympic London 2012 và Asian Games năm 2014 - ba dấu mốc sự kiện này khi kể lại, huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung vẫn không khỏi xót xa cho học trò của mình.
Hoàng Xuân Vinh từng bị coi như tội đồ khi thất bại trong phát súng cuối tại 3 kỳ thể thao quan trọng của khu vực và thế giới trên.
Tuột mất huy chương ở 3 kỳ Đại hội đó, Vinh nhận nhiều chỉ trích đến mức tinh thần của xạ thủ vốn xuất thân là người lính rơi vào khủng hoảng.
"Khoảnh khắc khiến tôi nhớ nhất và cũng đau lòng nhất là sau thất bại tại Asian Games 2010, Vinh ngước mắt nhìn tôi hỏi đầy tuyệt vọng: Theo chị, em có tiếp tục theo bắn súng nữa không? Em có tiếp tục bắn được nữa không?".
Ở góc độ huấn luyện viên, chị nhanh chóng giấu đi cảm giác yếu đuối của người phụ nữ để nhìn thẳng vào Vinh quả quyết: “Chắc chắn em sẽ tiếp tục thi đấu, em sẽ là nhà vô địch”.
Huấn luyện viên đội tuyển Bắn súng quốc gia Nguyễn Thị Nhung |
Đó không phải là những khoảnh khắc hiếm hoi giữa hai thầy trò trong sự nghiệp thể thao bắn súng chuyên nghiệp. Họ đối diện thường xuyên những áp lực, mà áp lực từ những thất bại trước khi có thành công không dễ dàng đi qua.
Chị Nhung cho biết, có nhiều lúc tinh thần của Vinh rất chán nản. Là huấn luyện viên, chị lại dành thời gian chia sẻ với Vinh nỗi buồn thất bại và động viên, truyền cho Vinh sự tự tin, hy vọng về một ngày sẽ bước lên ngôi cao nhất.
Một trong những điểm yếu lớn của xạ thủ Vinh, đó là tâm lý. Nó cũng thử thách chị Nhung không kém.
Kể lại “bí kíp” huấn luyện mới về tâm lý để Vinh khắc phục điểm yếu này, chị Nhung cho biết, có thời điểm yêu cầu Vinh khi bước vào trường bắn chỉ cúi mặt không nhìn khán giả, không để ý đến mọi áp lực xung quanh.
Còn chỉ truyền tinh thần tự tin cho Vinh và các đồng đội, hàng ngày trước mỗi buổi tập, chị yêu cầu từng vận động viên phải hô to: “Tôi là nhà vô địch Olympic”.
“Tôi nhớ thời gian đầu tiên nhiều vận động viên còn ngại ngùng không dám hô nhưng ngày nào cũng thế, mọi việc trở thành quen và Vinh ngày càng tự tin hơn khi hô vang câu đó”.
Cứ vậy, để bước lên đỉnh cao nhất của Olympic Rio 2016, thầy trò họ đã phải trải qua những chặng đường đầy chông gai của thất bại và nỗ lực không bỏ cuộc.
Tôi muốn là bông hoa duyên dáng
Nhắc lại thành tích trên đấu trường danh giá nhất thế giới là Oympic ở Rio 2016 vừa qua của Hoàng Xuân Vinh, chị Nhung không khỏi tự hào, cho rằng mình may mắn có một người học trò mà bất cứ huấn luyện viên nào cũng mong muốn.
Nhưng chị cũng tự răn mình và học trò, trong thể dục thể thao thành tích cao với tài năng thiên bẩm của Hoàng Xuân Vinh là chưa đủ.
Theo chị, để thành công như hôm nay còn cần rất nhiều yếu tố khác nữa bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của cá nhân vận động viên, sự hỗ trợ của huấn luyện viên.
“Thành công có được còn do sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ngành quân đội, ngành thể thao và sự quan tâm dành tình cảm trân quý của các tổ chức xã hội, người dân hâm mộ thể thao trong rất nhiều năm. Không có điểm tựa như thế thì 10 Hoàng Xuân Vinh, 10 Nguyễn Thị Nhung cũng không làm được gì cả", chị Nhung phát biểu ở Đại hội Phụ nữ toàn quốc.
Ngay bản thân chị, mỗi ngày lại cùng với chuyên gia Hàn Quốc luôn đưa các phương pháp huấn luyện khoa học, hiệu quả để giúp cho bắn súng nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung tiến bộ, phát triển.
Nhiều năm gắn bó với nghiệp thể thao bắn súng, chị Nhung luôn một lòng dành tình yêu lớn, niềm say mê với công việc mà ít người phụ nữ nào trên đất nước này lựa chọn như chị.
“Báo chí cứ gọi tôi là bông hoa thép, nhân cơ hội này tôi xin tâm sự với chị em là tôi không sắt thép gì cả. Tôi cũng không phải cố gắng là sắt là thép để thành công.
Là phụ nữ, tôi luôn muốn được xinh đẹp, duyên dáng như những bông hoa. Tôi vinh dự đứng đây hôm nay là khẳng định sự duyên dáng của giới nữ dù ở lĩnh vực nào, ngành nào nếu có sự đam mê, nhiệt huyết sẽ có sự thành công”, huấn luyện viên đội tuyển bắn súng quốc gia chia sẻ.
Điều mà chị trăn trở nhất, đó là thu xếp thời gian dành cho gia đình, con cái. Chị may mắn có một hậu phương vững chắc, ủng hộ tuyệt đối công việc. Nhưng có lúc, những khi đi tập huấn và thi đấu liên miên, chị lại rơi vào cảm giác có lỗi với gia đình nhỏ sau lưng sự nghiệp của mình.
Thu Hằng (Vietnamnet)