Theo Công an TP HCM, đa số phụ nữ đơn thân rơi vào cảnh mất cả tình lẫn tiền đều không dám tố cáo những kẻ "Sở Khanh" vì xấu hổ, sợ mang tiếng.
Ảnh minh họa
Cứ ngỡ rằng không bao lâu nữa sẽ được đi du lịch Anh quốc do người tình đang cư ngụ tại đây mời, chị Mai Anh (quận 1, TP HCM) hớn hở khoe với bạn bè. Vui hơn là người tình một tuần nữa sẽ sang Việt Nam để gặp mặt chị. Bạn bè mừng cho Mai Anh vì chị vừa trải qua cuộc hôn nhân không được trọn vẹn, nay sắp có "bạch mã hoàn tử", lại là người nước ngoài. Thế nhưng, chưa tròn một tháng bạn bè thấy chị khác hẳn và buồn hơn xưa, không muốn gặp gỡ ai nữa.
Bình tâm trở lại, nhân vật chính trong câu chuyện rầu rĩ nói, trên email của chị có rất nhiều trang tìm bạn bốn phương mời kết nối, sau một thời gian nghiên cứu chị đã chọn một trang vì thấy quảng cáo rằng hiện nay đàn ông phương Tây rất thích làm quen và cưới phụ nữ Việt Nam.
Nhận thấy đúng tâm trạng của mình, cộng thêm tò mò chị đăng ký làm thành viên và nhận được liên lạc của nhiều người, trong số có chàng mang quốc tịch Anh tên Phil Anderson. Anh này đã kiên trì mời chị chat và có những lời lẽ rất lịch sự khiến trái tim của chị thổn thức.
Sau một tuần thư đi tin lại, người này cho chị biết một tuần nữa anh ta sẽ đến Malaysia để nhận tiền do một công ty trả cho ba anh ta, vì ba của Phil mất nên công ty mời anh ta làm đại diện đến nhận. Có tiền, anh ta sẽ du lịch đến Việt Nam gặp chị để tính đến hôn nhân lâu dài.
Rồi ngày đó cũng đến, anh ta nhắn tin cho biết đang có buổi hội nghị tôn vinh những cổ đông trong đó có ba anh ta và hôm sau mới được lãnh tiền. Đến sáng hôm sau, anh ta nhắn tin hỏi mượn chị 2.200 USD để đóng một loại thuế do Cục Lao động tại Malaysia quy định.
Chị mơ hồ nhận ra đây là kẻ lừa đảo, trả lời hiện tại không có tiền. Anh ta lại hỏi tiếp vậy chị có bao nhiêu cũng được hoặc hỏi thăm mượn bạn bè giúp vì anh ta gấp lắm. Anh bạn trai ngoại liên tục nhắn tin năn nỉ, hối thúc và cuối cùng thấy chị không trả lời, anh ta mới chịu dừng và từ đó đến nay không còn liên lạc.
Còn chị Kim Ngân (ngụ quận 7) kể lại, cách đây 2 năm khi chị tham gia một trang mạng xã hội, có người đàn ông xưng tên Thomas (45 tuổi) làm quen. Sau một tháng trò chuyện trên mạng, Thomas nói sẽ về Việt Nam để làm đám cưới với chị.
Đến ngày ghi trên vé máy bay (vé gửi qua email), chị ra sân bay Tân Sơn Nhất để đón nhưng không thấy ông Thomas đâu và cũng không có chuyến bay nào như ông ta nói. Ngay sau đó, Thomas gọi điện thoại cho chị nói là đang ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) và đang bị Hải quan sân bay bắt giữ do mang tiền theo với số lượng lớn.
Thomas nhờ chị chuyển giúp 1.000 USD để đóng phạt, khi lấy tiền ra được ông ta sẽ trả lại. Theo hướng dẫn của Thomas, chị chuyển tiền vào tài khoản hơn 20 triệu đồng (tương đương 1.000 USD). Sau khi nhận được tiền trên, Thomas tiếp tục yêu cầu chị đưa tiếp 3.000 USD để "lót tay" cho cán bộ sân bay để vụ việc được giải quyết nhanh chóng.
Dù không có tiền, nhưng chị cố cũng vay mượn và chỉ gửi thêm được hơn 10 triệu đồng đồng (tương đương 500 USD). Không dừng lại ở đó, Thomas tiếp tục yêu cầu chị gửi thêm tiền để mua đồ ăn vì nhân viên sân bay không cho ăn uống.
Nghe "người yêu" kể, xót lòng, chị gửi tiếp 2 triệu đồng. Thomas lại tiếp tục yêu cầu chị phải gửi thêm tiền. Lúc này nhận ra mình đã bị lừa, người phụ nữ không gửi tiền nữa và đến cơ quan điều tra trình báo.
Cũng có nhu cầu tìm bạn trên mạng, Quỳnh Chi (ngụ quận Thủ Đức) quen một người tên David (Quốc tịch Anh, 40 tuổi). Khoảng tháng 1, David nói sẽ đến Việt Nam du lịch và muốn gửi đồ qua trước. Khoảng hai tuần sau, Quỳnh Chi nhận được e-mail và điện thoại của một công ty vận chuyển yêu cầu chuyển 1.000 USD (phí vận chuyển hàng hóa từ Malaysia đến Việt Nam), nếu không hàng sẽ không được chuyển đến.
Tìm cách liên lạc với David không được, Quỳnh Chi đã gửi gần 20 triệu (tương đương 1.000 USD) vào tài khoản theo hướng dẫn của đại diện công ty.
Khoảng vài ngày sau, công ty này yêu cầu chị gửi tiếp 6.000 USD phí bảo hiểm vì hàng này có giá trị lớn. Tin lời, Quỳnh Chi tiếp tục gửi số tiền trên. Sau khi nhận tiền, công ty tiếp tục yêu cầu chị gửi tiếp 10.000 USD để đóng phí hải quan vì hàng đang bị Hải quan Malaysia bắt giữ. Lúc này, Quỳnh Chi mới biết là đã bị lừa...
Theo cơ quan cảnh sát điều tra (Công an TP HCM), thời gian qua có nhiều phụ nữ đến cơ quan này để tố cáo hành vi lừa đảo của một số người nước ngoài. Thực tế, số phụ nữ bị lừa không dám tố cáo rất nhiều. Đa số chị em khi rơi vào cảnh mất cả tình lẫn tiền thường vì xấu hổ, sợ mang tiếng nên "ngậm bồ hòn làm ngọt" và giữ kín trong lòng chứ ít khi tâm sự hoặc giãi bày với người khác.
Kẻ lừa đảo thường ngụy tạo vỏ bọc là người thành đạt, giàu có. Chúng có điểm chung là việc trao đổi thông tin với nhau chỉ qua tin nhắn điện thoại, email hoặc chat. Còn các loại tiền, quà, từ nước ngoài gửi về, mặc dù người nhận đã đóng đủ các loại phí theo yêu cầu của người gửi nhưng thực tế không có món tiền hoặc thùng hàng nào được chuyển về.
(Nguồn: Pháp Luật Việt Nam)