Bộ Tài chính cho biết tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài kế hoạch năm 2021 tại các địa phương tính đến 31/5 chỉ đạt 1.100 tỷ đồng và bằng 1,73% dự toán.
Thứ trường Tài chính-Trần Xuân Hà phát biểu tại Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về “Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài 5 tháng”
Sáng 14.6, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến "Đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài 5 tháng đầu năm 2021 và thúc đẩy giải ngân năm 2021" do Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà chủ trì. Phía đầu cầu Hải Dương có đại diện lãnh đạo Sở Tài chính và một số ngành tham dự.
Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất-kinh doanh trong cả nước. Theo đó, các dự án sử dụng vốn đầu tư công từ nguồn ODA và vay ưu đãi nước ngoài cũng chịu nhiều tác động nặng nề từ đại dịch.
Theo số liệu của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), tình hình thực hiện kế hoạch vốn 2021 tại các địa tính đến 31/5 chỉ đạt 1.100 tỷ đồng và bằng 1,73% dự toán, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương là 616 tỷ đồng (bằng 1,77% kế hoạch) và vốn cho các địa phương vay lại là 484,4 tỷ đồng (bằng 1,68% kế hoạch)
Cụ thể, cả nước mới có 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 3% và 37/63 địa phương tỷ lệ giải ngân chỉ là 0%.
Tác động của đại dịch COVID-19
Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về “Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài 5 tháng”, ngày 14.6, Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà nhấn mạnh tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn giao năm 2021 là rất thấp, thấp hơn hẳn so với 5 tháng của năm 2020 (với vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương là 7,19%). Bên cạnh đó, nếu tính đến số vốn được giải ngân theo kế hoạch năm 2020 được kéo dài và chuyển nguồn trong 5 tháng của năm 2021, thì tỷ lệ giải ngân này cũng vẫn thấp so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính, là do có nhiều vướng mắc mà đặc biệt là sự tác động của dịch bệnh COVID-19.
“Trên thực tế, đại dịch COVID-19 tác động đến các dự án sử dụng vốn nước ngoài trong 5 tháng qua còn rất nặng nề, do nhiều dự án gắn với yếu tố nước ngoài (từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát),” ông Long nói.
Cụ thể, báo cáo của các địa phương gửi tới Bộ Tài chính cho hay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều dự án bị chậm tiến hành đấu thầu vì chuyên gia tư vấn quốc tế hỗ trợ xây dựng hồ sơ thầu và đánh giá thầu không sang được hoặc sang chậm. Thêm vào đó, nhà tài trợ chậm xem xét và cho ý kiến “ không phản đối ” về hồ sơ mời thầu và kết quả đấu thầu...
Nhiều vướng mắc chủ quan
Ngoài ra, ông Long cho hay qua xem xét theo 3 giai đoạn chính của quá trình thực hiện (từ khi dự án được duyệt chủ trương đầu tư đến khi được giải ngân-ký đơn rút vốn) cũng cho thấy có nhiều vướng mắc tại các địa phương.
Cụ thể, giai đoạn đáp ứng các điều kiện “để được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm” thường bị vướng bởi việc chậm hoàn thành các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định/thỏa thuận vay.
Theo quy định hiện nay, quy trình điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài theo phản ánh của các chủ dự án thường phức tạp và kéo dài, chỉ khi việc điều chỉnh chủ trương đầu tư được hoàn thành thì Bộ Tài chính mới có căn cứ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh hiệp định vay (nếu có). Điều này dẫn đến việc một số dự án đã được bố trí vốn nhưng không thể rút vốn do chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh.
Lãnh đạo Sở Tài chính và một ngành tham dự hội nghị tại đầu cầu Hải Dương
Nguyên nhân chủ quan khác được ông Long cho hay đến từ việc giao, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn (như việc giao chậm, giao thiếu kế hoạch đầu tư công trung hạn, giao vượt nhu cầu sử dụng đã đăng ký, địa phương chậm phân bổ chi tiết kế hoạch vốn). Cụ thể, tính đến ngày 31/5, cả nước vẫn còn 10 địa phương chưa giao kế hoạch vốn vay lại.
Thêm vào đó, nhiều địa phương vẫn mắc phải tình trạng chậm hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư (như giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật và chậm thiết kế thi công...).
Báo cáo của Bộ Tài chính cho hay tổng trị giá khối lượng hoàn thành được Kho bạc Nhà nước xác nhận mới đạt 6,4% dự toán bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương và 9,2% dự toán cho vay lại địa phương năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều dự án chưa hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư như đang trình duyệt quy hoạch, mời thầu, đấu thầu, đấu thầu lại, phê duyệt hợp đồng.
“Vướng mắc này được phản ánh tại 20/165 dự án có báo cáo,” ông Long nói.
Sẽ sửa đổi quy định về cho vay lại
Nhằm thúc đẩy hoạt động giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong các tháng tiếp theo của năm, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo (lần 3) Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại để trình Chính phủ ban hành, trong đó có quy định tháo gỡ về trị giá tài sản thế chấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập vay lại và giảm tỷ lệ vay lại của một số địa phương khó khăn về cân đối ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh Bộ Tài chính cam kết sẽ hoàn thành kiểm soát chi trong vòng 3 ngày làm việc và xử lý đơn rút vốn (hình thức rút vốn trực tiếp) trong vòng 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Ngoài ra, vị lãnh đạo này cũng chia sẻ Bộ Tài chính sẽ triển khai thí điểm áp dụng từ tháng Bảy và tiến tới áp dụng chính thức trong năm 2021 cơ chế thông báo nhận nợ định kỳ với các địa phương thông qua Sở Tài chính nhằm đảm bảo cơ chế thông tin thống nhất giữa Bộ Tài chính và các địa phương, hỗ trợ các tỉnh chủ động và kịp thời bố trí trả nợ cho Chính phủ.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có cơ chế đơn giản hóa hoặc rút gọn quy trình điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với trường hợp được gia hạn thời gian thực hiện dự án, có cơ chế bố trí kế hoạch phù hợp với đặc thù giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần có những điều chỉnh mạnh mẽ về việc giao và điều chỉnh kế hoạch vốn, đảm bảo đến tháng Bảy kế hoạch vốn năm 2021 đã được điều chỉnh sát với thực tế và khả năng giải ngân của các dự án đồng thời đề nghị kiểm tra và xử lý ngay tình trạng giao kế hoạch vốn vượt nhu cầu đăng ký của địa phương.
“Các địa phương cũng cần rà soát việc phân bổ lại dự toán phù hợp với tiến độ triển khai các dự án. Trong thẩm quyền được giao, các địa phương chủ động điều chỉnh dự toán và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong trường hợp giảm dự toán được giao. Các địa phương cũng cần phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh hiệp định vay, không để việc điều chỉnh làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân của các dự án,” Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.
Theo Vietnam+