Ngày 6/2, các quốc gia do Anh, Pháp và Mỹ dẫn đầu và các công ty công nghệ bao gồm Google, Microsoft và Meta đã ký một tuyên bố chung thừa nhận sự cần thiết phải có nhiều hành động hơn để giải quyết việc sử dụng các công cụ gián điệp mạng độc hại.
Tuyên bố này đã được 35 quốc gia ký kết tại một hội nghị do Anh và Pháp đồng tổ chức nhằm giải quyết tình trạng ngày càng phổ biến và việc sử dụng phần mềm gián điệp dùng để nghe lén các cuộc gọi điện thoại, đánh cắp ảnh và điều khiển camera và micro từ xa.
Thỏa thuận cho biết thị trường phần mềm gián điệp đang phát triển nhanh chóng làm tăng mối lo ngại về tác động xấu đối với an ninh quốc gia và nhân quyền, cũng như các tổ chức nhà nước và phi nhà nước tăng khả năng tiếp cận các công cụ gián điệp mạnh mẽ.
Tuyên bố kêu gọi các bên ký kết sử dụng các công cụ này một cách hợp pháp và có trách nhiệm, sử dụng chúng một cách chính xác, giám sát chặt chẽ hơn và tạo ra sự minh bạch hơn với các nhà cung cấp phần mềm gián điệp thương mại.
Các bên ký kết cảnh báo nếu thiếu các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với phần mềm như vậy sẽ làm tăng nguy cơ các tác nhân xấu thực hiện hoạt động gián điệp.
Các công cụ phần mềm gián điệp cũng có thể được sử dụng bởi các tin tặc được thuê để thực hiện các chiến dịch tấn công mạng cho các khách hàng thương mại. Các công ty phần mềm gián điệp thường nói rằng sản phẩm của họ được các chính phủ sử dụng vì an ninh quốc gia, nhưng công nghệ này đã nhiều lần bị phát hiện được sử dụng để xâm nhập vào điện thoại của xã hội dân sự, phe đối lập chính trị và các nhà báo trong thập kỷ qua.
Ngành này ngày càng phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ kể từ khi phần mềm gián điệp Pegasus của công ty NSO (Israel) được phát hiện trên điện thoại của nhiều người trên toàn cầu. Hôm 5/2, Mỹ đã công bố chính sách hạn chế thị thực mới đối với những người được cho là đang lạm dụng phần mềm gián điệp thương mại.