Đêm thứ 7 vừa qua là một đêm không ngủ với Wu Shengsong. Đó là đêm thứ năm liên tục ông phải trực bên bờ sông Xi ở huyện Bà Dương, tỉnh Giang Tây, phía đông Trung Quốc.
Tỉnh Giang Tây đang xảy ra lũ lụt nghiêm trọng
Khi ông Wu vừa bắt đầu ca trực, tiếng sấm sét đã rền vang và loé sáng trên trời. Ông đứng im nhìn mây bão tích tụ trên đầu và lo lắng về sức chịu đựng của nền đất dưới chân. “Tôi cảm thấy lo lắng. Dự báo là mưa sẽ còn tiếp diễn trong nhiều ngày tới”, ông Wu nói báo SCMP. Ông là một cán bộ ở làng Wanli, gần hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất của Trung Quốc. Tính đến sáng qua, mưa lớn và nước tràn xuống từ thượng nguồn sông Trường Giang khiến mực nước hồ tăng lên 22,5 m, mức cao nhất trong lịch sử và cao hơn nhiều so mức báo động 19,5 m, khiến nhiều thị trấn, ngôi làng nằm ngoài đê và các vùng xung quanh đối mặt rủi ro bị nước nhấn chìm.
Mưa lũ đang đe doạ 27 trên 31 tỉnh của Trung Quốc. Theo số liệu chính thức, tính đến ngày 11.7, gần 34 triệu dân đang bị ảnh hưởng và ít nhất 140 người được báo cáo đã chết hoặc mất tích vì lũ lụt. Tình hình dọc bờ sông Trường Giang đặc biệt nghiêm trọng. Theo hãng thông tấn Xinhua, khoảng 2.545 km đê ở tỉnh Giang Tây đang trong tình thế “đặc biệt đáng lo ngại” về khả năng kiểm soát lũ. Giữa tuần trước, nước lũ làm vỡ bờ sông gần con đập nơi ông Wu đang canh gác, gây ngập nhiều ngôi làng và khiến 20.000 người rơi vào cảnh không có điện và nước sạch.
Ông Wu nhận được chỉ đạo phải sắp xếp người tuần tra liên tục. Ông và những người làng khác thay phiên nhau, mỗi người canh vài trăm mét đê sông. Ông dùng đèn pin để kiểm tra xem có dấu hiệu nứt vỡ nào trên đê hay không. Ông và những người khác trong đội tuần tra làm việc suốt đêm, chỉ dám chợp mắt một lúc. “Chỉ cần một vết nứt cũng khá nguy hiểm. Khi nước lọt qua thì tình hình chỉ tính bằng phút”, ông Wu nói. Dọc sông Trường Giang, nước trên nhiều hồ và nhánh sông vẫn tiếp tục tăng.
Nâng cảnh báo
Trung Quốc hôm qua nâng cảnh báo lũ lụt lên mức cao thứ hai trong thang báo động gồm 4 mức, khi mưa lớn tiếp tục xảy ra ở các khu vực dọc sông Trường Giang. Hai tỉnh phía đông là Giang Tô và Giang Tây chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, báo chí địa phương cho biết.
Sáng 11.7, hàng ngàn binh lính đóng tại tỉnh Giang Tây đã được huy động để đi gia cố gần 9 km bờ hồ Bà Dương để ngăn nguy cơ vỡ bờ, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin. Riêng ở tỉnh Giang Tây đã có 432.000 người phải đi sơ tán. Lũ lụt tàn phá 4,56 triệu ha hoa màu và 988 ngôi nhà, gây thiệt hại ước tính 929 triệu USD, CCTV đưa tin.
Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Tây, nước trên sông Rong đã tăng cao hơn 5,04 m so mới mức báo động, sau đợt mưa sáng 11.7. Tại thị trấn A Bá, tỉnh Tứ Xuyên, khoảng 60m đường bị sụt, lún sâu sau nhiều ngày mưa to khiến nước sông tràn bờ. Lực lượng cứu hộ phải mở tuyến đường qua núi để các phương tiện có thể đi lại. Ở tỉnh Hồ Bắc, cảnh báo lũ lụt đã được nâng lên mức số 1, mức cao nhất trong thang cảnh báo.
Theo số liệu từ Bộ Thuỷ lợi Trung Quốc, từ đầu tháng 7 đến nay, mực nước trên 212 con sông đã cao hơn cảnh báo, 19 sông trong số đó đã chạm mức cao lịch sử. Trung Quốc cho rằng, thời tiết cực đoan là kết quả của biến đổi khí hậu. Mưa lớn từ tháng 6 tàn phá nhiều khu vực của nước này, gây thiệt hại kinh tế hơn 60 tỷ nhân dân tệ. Chính phủ Trung Quốc đã quyết định chi 44,2 triệu USD cho công tác cứu hộ ở các vùng chịu ảnh hưởng của lũ lụt, báo chí địa phương cho biết.
Theo Tiền phong