Sau kỳ nghỉ Tết dài hơn 10 ngày, nhiều bạn trẻ gặp không ít khó khăn khi bắt nhịp với cuộc sống thường nhật.
Trở lại nhịp sống ngày thường, "teen" cần sự giúp đỡ của bố mẹ và thầy cô (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Trong thời gian nghỉ Tết, hôm nào Nguyễn Thu Nga, học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hải Dương) cũng được ngủ "nướng" cho tới 8-9 giờ mới dậy. Ngoài những lúc phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa đón Tết là khoảng thời gian Nga được đi chơi cùng bạn bè hoặc ngồi lỳ trong nhà xem ti vi. Hơn 10 ngày sống như "tỷ phú" về thời gian nên Nga cũng sinh thêm tật lười biếng, ngại phải học bài. Vì thế, những ngày sắp đi học trở lại, Nga mới tức tốc làm bài tập về nhà. Buổi sáng đầu tiên tới trường sau kỳ nghỉ Tết, Nga không đi học muộn nhưng bài vở chưa xong; đến lớp trong tình trạng uể oải, lúc nào cũng muốn ngủ gật trong lớp. Chị Hoàng Mai Anh, mẹ của Nga chia sẻ: "Suốt từ hôm bắt đầu quay lại việc học, tôi thấy con gái rất ngại đi học, sáng nào cũng phải dậy sớm để gọi con dậy cho đúng giờ đi học. Nhìn thì cũng thấy thương con vì đang được vui chơi thoải mái giờ quay lại việc học, nhưng phải rèn con để cháu sớm trở lại nếp sống ngày thường".
Không khác nhiều tâm trạng với Nga, Hoàng Tuấn Anh, học sinh lớp 11, Trường THPT Hoàng Văn Thụ (TP Hải Dương) cũng luôn tới lớp với bộ mặt thiếu ngủ trầm trọng. Trong hơn 10 ngày nghỉ Tết, Tuấn Anh dành hết thời gian cho việc chơi game, vì em được bố mẹ "thả phanh" cho dùng in-tơ-nét. Tuấn Anh thường chơi tới khuya mới đi ngủ, sáng hôm sau ngủ "nướng" tới gần trưa mới dậy. Khi trở lại việc học, Tuấn Anh vẫn chưa từ bỏ được thói quen thức khuya dậy muộn nên ngay trong buổi học đầu tiên, cậu đã đi muộn. Tuấn Anh chia sẻ: “Quen với nếp sinh hoạt ngày Tết nên gần 1 tuần qua em phải cố gắng quay lại nếp sống ngày thường, khổ nhất là tầm tiết 3 - 4, học các môn như giáo dục công dân hay kỹ thuật thì buồn ngủ lắm, lúc nào cũng trong tình trạng mơ màng”. Cô giáo Nguyễn Thu Hương dạy văn ở Trường THCS Lê Quý Đôn chia sẻ: “Sau Tết, học sinh chưa bắt nhịp lại với cuộc sống thường nhật, vẫn còn tư tưởng ngày Tết nên nhiều em đi học muộn, bài tập các thầy cô giao về nhà chưa kịp hoàn thành, nên những ngày đầu đi học lại, các giáo viên thường phải xốc lại tinh thần cho các em”.
Trao đổi về vấn đề này, thầy giáo Trần Quốc Hưng, giảng viên bộ môn tâm lý giáo dục Trường Cao đẳng Hải Dương cho biết: Hội chứng uể oải, chây ỳ sau Tết của các bạn trẻ là một hiện tượng hết sức bình thường. Điều quan trọng là thầy cô giáo và cha mẹ cần giúp các bạn trẻ lấy lại tinh thần, quay lại với nhịp sống và tìm lại cảm hứng trong học tập ngay từ những ngày đầu xuân mới. Trước hết, bản thân các "teen" phải tự xốc lại tinh thần cho mình bằng cách không bê trễ việc học, làm bài tập. Các bạn phải lên kế hoạch cụ thể cho việc học trong kỳ 2 với lịch trình rõ ràng, nêu rõ mục tiêu phấn đấu trong năm mới. Các bậc cha mẹ cần quan tâm tới các con hơn trong những ngày đầu quay lại với việc học, chú ý giờ giấc sinh hoạt của con. Các bạn trẻ rất dễ thích nghi với nền nếp sinh hoạt mới, nên các "teen" rất nhanh chóng quay lại nhịp sống ngày thường nếu được sự giúp đỡ của bố mẹ như gọi con dậy sớm, nhắc con ngủ sớm, làm bài tập về nhà đầy đủ…
TÂM PHÚC