"Sống khỏe" nhờ nhạy bén

17/12/2015 08:44

Trong khi nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp đang loay hoay tìm hướng đi thì HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Kỳ (Tứ Kỳ) hoạt động hiệu quả, trở thành HTX tiêu biểu của tỉnh.



HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) chủ động điều tiết nên tất cả các
diện tích lúa, rau màu của xã đều có nước tưới


HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Kỳ hiện có gần 40 xã viên. Mấy năm gần đây, khi phong trào cơ giới hóa ở địa phương phát triển mạnh mẽ, nhiều người dân xã Tân Kỳ đã đầu tư mua máy làm đất, máy gặt phục vụ nhân dân trong xã. Mạnh ai nấy làm đã dẫn đến tình trạng tranh giành nhau về diện tích làm đất, cạnh tranh giá cả. HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Kỳ khó điều tiết nước tưới do thời điểm thuê máy làm đất khác nhau. Trước thực trạng trên, cán bộ HTX đã bàn bạc và xin ý kiến của lãnh đạo UBND xã để tập hợp các chủ máy lại, quản lý và điều tiết hoạt động.

Hiện nay, dịch vụ làm đất của HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Kỳ thu hút được 30 chủ máy tham gia, trong đó có 16 máy từ 24 - 50 mã lực, còn lại là máy làm đất cỡ nhỏ. Mỗi vụ, 95% diện tích đất nông nghiệp của người dân được làm đất bằng cơ giới thông qua dịch vụ của HTX. Giá làm đất căn cứ vào giá xăng dầu, duy trì ở mức 130.000 đồng/sào vụ mùa và 150.000 đồng/sào vụ chiêm xuân, đều thấp hơn bên ngoài từ 10-15%.

Ông Đào Văn Đoàn, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Kỳ cho biết: "Chúng tôi phân chia theo nguyên tắc mỗi chủ máy làm ở một khu vực nhất định, việc phân chia được dựa trên công suất của máy. Kể cả chủ máy đó có ruộng nhưng không thuộc khu vực được phân chia hoạt động thì cũng không được làm. Sau khi làm đất xong, chúng tôi cử người đi nghiệm thu, nếu bảo đảm chất lượng thì mới thanh toán tiền, còn không thì chủ máy đó phải làm lại. Vụ sau sẽ căn cứ vào kết quả của vụ trước để phân bổ diện tích đất cho các chủ máy làm phù hợp. Nhờ cách phân chia hợp lý trên nên không có tình trạng tranh chấp giữa các chủ máy, người dân được hưởng lợi vì giá thuê rẻ hơn, chúng tôi lại rất thuận tiện trong việc điều tiết nước tưới".

Ngoài dịch vụ làm đất, hiện nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Kỳ còn làm thêm 6 dịch vụ khác, dịch vụ nào cũng bảo đảm uy tín, được nhân dân tin tưởng.

Theo tính toán của ông Đoàn, mỗi lần có sâu bệnh thì người dân toàn xã phải bỏ ra khoảng 250 triệu đồng để mua thuốc phun trừ, đó là chưa kể công sá. Vì thế, để tiết kiệm cho người dân, đồng thời bảo vệ môi trường sống, HTX luôn chú trọng đến việc dự tính, dự báo sâu bệnh. HTX đã ký hợp đồng với 1 cán bộ của Trạm Bảo vệ thực vật huyện kiểm tra đồng ruộng 2 tuần/lần, vào thời điểm có nhiều sâu bệnh thì 1 lần/tuần. Chính vì thế mà mọi diễn biến trên đồng ruộng đều được nắm bắt kịp thời. Trung bình, mỗi vụ lúa ở Tân Kỳ người dân chỉ phải phun thuốc sâu từ 1-2 lần, giảm so với các địa phương khác. Trong quá trình phun, HTX luôn khuyến cáo các hộ dân áp dụng nguyên tắc "4 đúng" nên hiệu quả phòng trừ sâu bệnh cao, nhiều năm nay trên địa bàn xã không có tình trạng mất mùa do sâu bệnh. Mỗi năm, HTX phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, huyện tổ chức hàng chục lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên vật nuôi,cây trồng cho gần 1.000 lượt người.

Trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn, thị trường cũng chưa phát triển nên HTX làm dịch vụ cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho người dân theo hình thức trả chậm. Nhưng mấy năm gần đây, HTX chỉ tập trung vào cung ứng thóc giống. Để bảo đảm nguồn giống chất lượng, không bị pha tạp, HTX đã liên hệ với các đơn vị giống uy tín trên địa bàn tỉnh như Công ty TNHH một thành viên Giống cây trồng Hải Dương, Công ty CP Giống cây trồng Kiên Giang... để lấy giống cho người dân. Trung bình mỗi vụ, HTX cung ứng khoảng 5 tấn giống. Mấy năm gần đây, HTX đã xây dựng được một số mô hình lúa TH3-3, N2-25, CT16, DT18, Bắc thơm số 9..., đều là những giống có chất lượng, năng suất khá, được giá nên được nhân dân ưa chuộng và đưa vào sản xuất đại trà.

Không chỉ làm tốt các dịch vụ mà các khâu phi lợi ích cũng được HTX rất chú trọng. Để kênh mương địa phương không bị ách tắc, bảo đảm cung cấp nước kịp thời cho sản xuất, hằng năm, HTX đều thuê máy nạo vét, khơi thông dòng chảy, tu sửa kênh. Khối lượng đào đắp, nạo vét trung bình trên 10.000m3/năm. HTX cũng tích cực kiểm tra và tu sửa đường nội đồng, lắp đặt cầu cống phục vụ nhân dân đi lại. Các máy bơm nước cũng được giao cụ thể cho từng cán bộ thủy nông phụ trách bảo dưỡng và vận hành. Hằng năm, HTX luôn bảo đảm nguồn nước tưới tiêu cho 387 ha lúa và trên 100 ha rau vụ đông, trên 70 ha nuôi thủy sản. Ở địa phương, không có tình trạng ruộng đất bỏ hoang vì không có nước tưới. Mỗi vụ lúa, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Kỳ đều tổ chức nhiều đợt diệt chuột bằng bả sinh học và thủ công. Vì thế, lúa và hoa màu của người dân ít bị chuột phá hoại.

Nhờ đa dạng các dịch vụ, bảo đảm chất lượng, uy tín nên doanh thu mỗi năm của HTX đạt hàng tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 200 triệu đồng. Ngoài việc trả lương và đóng bảo hiểm cho cán bộ, HTX còn trích lại một phần để duy tu, bảo dưỡng máy móc và mua sắm vật tư, thiết bị phục vụ hoạt động.

Ông Hà Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: "Trong quá trình hoạt động, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Kỳ luôn có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn để nâng cao hiệu quả, đáp ứng nhiều dịch vụ chất lượng tốt cho người dân. Nếu trên địa bàn tỉnh có nhiều cán bộ năng nổ, nhiệt tình, nắm bắt nhanh nhạy nhu cầu của người dân như cán bộ HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Kỳ thì kinh tế khu vực HTX sẽ ngày càng phát triển".

HÀ NGÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Sống khỏe" nhờ nhạy bén