"Nhiều không" ở các cụm công nghiệp

30/06/2015 10:00

Không có hệ thống xử lý rác, không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, không đường giao thông, không có nhà quản lý chuyên nghiệp...



Cụm công nghiệp Lương Điền (Cẩm Giàng) dù có quy hoạch và để dành đất cho trạm xử lý nước thải tập trung,
 nhưng hiện nay chưa đầu tư chưa có đủ điều kiện xây dựng


Đó là những bất cập nổi bật nhất ở các cụm công nghiệp hiện nay.

Quy trình ngược

Thông thường, khi thu hút đầu tư, các địa phương phải chuẩn bị sẵn cơ sở hạ tầng như hệ thống đường giao thông, đường điện, hệ thống cấp, thoát nước... Nếu cho phép doanh nghiệp đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) thì địa phương cũng cần phải có quy hoạch cụ thể, sau đó bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Thế nhưng hầu hết các CCN lại không được thực hiện theo các trình tự đó. Thực tế, dù nhiều CCN không có chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, không có ban quản lý chung, nhưng đất vẫn được giao cho nhà đầu tư.

Sau 12 năm triển khai nhưng đến nay phần lớn diện tích CCN Nghĩa An (Ninh Giang) vẫn được người dân tận dụng trồng lúa. Ông Nguyễn Tiến Tầng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, đây là CCN duy nhất của huyện đã được phê duyệt và có quy hoạch 50 ha. Sau khi Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam thuê 5 ha đầu tư dự án mở rộng sản xuất, CCN này vừa giải phóng thêm 3,7 ha cho dự án thứ 2 do Công ty TNHH Vina EMS thuê đất. CCN do UBND huyện Ninh Giang làm chủ đầu tư quản lý và chưa có mặt bằng sạch, doanh nghiệp thuê đất đến đâu thì huyện giải phóng mặt bằng đến đó.

CCN An Đồng được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết theo Quyết định số 679/QĐ-UBND ngày 17-3-2003 với quy mô 35,18 ha. Hiện nay, UBND huyện Nam Sách đang đề nghị mở rộng thêm hơn 40 ha. Điều dễ nhận thấy là quá trình hình thành của CCN An Đồng (Nam Sách) trong hơn chục năm qua được thực hiện khá lạ lùng. Cụ thể, CCN này hình thành từ ruộng cấy lúa, rồi chuyển đổi sang mô hình VAC, sau đó phát triển thêm vài cửa hàng dịch vụ phân bón, thuốc trừ sâu hay quầy giới thiệu nông sản và cuối cùng là đề nghị quy hoạch CCN. Một số đồng chí lãnh đạo tỉnh trước đây nói vui, CCN An Đồng là một điển hình quy hoạch CCN buộc phải phê duyệt theo kiểu “sự đã rồi”!

Bất cập trong quản lý

Trong số 31 CCN đã hoạt động, mới có 3 CCN có chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là CCN Ba Hàng (TP Hải Dương), Chí Minh (Chí Linh) và Lương Điền (Cẩm Giàng). Trên lý thuyết, hầu hết các CCN ở Hải Dương đều được phê duyệt quy hoạch chi tiết để đầu tư xây dựng...

Ông Vũ Doãn Quang, Giám đốc Sở Công thương cho biết, thời gian trước, việc quản lý các CCN được thực hiện theo Quyết định số 3194/2007/QĐ-UBND ngày 7-9-2007. Theo đó, UBND cấp huyện thành lập ban quản lý các CCN, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với CCN trên địa bàn; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong việc quản lý quỹ đất của CCN đã được quy hoạch và quản lý về các mặt an ninh, trật tự, an toàn xã hội, môi trường, phòng cháy, chữa cháy, xây dựng trong và ngoài CCN theo quy định... Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đều không thành lập được ban quản lý các CCN mà để UBND cấp huyện “kiêm nhiệm”. Vì vậy, việc kiểm tra sau đầu tư và quản lý các doanh nghiệp hoạt động còn nhiều khó khăn. Công tác thống kê, báo cáo đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như dự án đầu tư vào CCN chưa được tập trung, thống nhất. Vì chưa có ban quản lý chuyên trách nên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không thể kiểm soát được các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Hầu hết CCN trong tỉnh không có chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, do đó từ hệ thống giao thông đến khu xử lý nước thải tập trung… đều chưa được xây dựng. Các doanh nghiệp trong CCN phải tự lo từ cải tạo đường, xây dựng hệ thống cấp nước sạch, đến thoát nước, thu gom, xử lý rác thải... theo kiểu mạnh ai nấy làm, không có mối liên hệ nào với nhau...  Thực tế này dẫn đến việc các dự án sản xuất, kinh doanh đầu tư vào các CCN chủ yếu bám mặt đường giao thông công cộng phía ngoài; khi xây dựng nhà máy cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh đều phát sinh ô nhiễm môi trường.

CCN Thạch Khôi - Gia Xuyên (Gia Lộc và TP Hải Dương) được phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2007 với tổng diện tích 76,25 ha, hiện đã lấp đầy 65% diện tích đất, gồm 30 dự án đã được cấp phép đầu tư và hầu hết đã đi vào hoạt động. Ông Đàm Văn Hạnh (Công ty TNHH Tân Trung Đức) cho biết, do không có ban quản lý chung nên các doanh nghiệp ở đây phải tự lo cải tạo đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, thu gom, xử lý rác thải... CCN không có hệ thống cơ sở hạ tầng chung như đường giao thông, điện, nước hoặc khu xử lý nước thải, rác thải... CCN này đã từng "khát" nước sạch trong thời gian dài và từng là điểm đen ô nhiễm môi trường.

Theo phản ánh của người dân, CCN Tân Hồng (Bình Giang) hiện có 4 cơ sở sản xuất đang ảnh hưởng đến môi trường xung quanh là Công ty CP Tiến Long, Công ty TNHH một thành viên Tiến Lâm, Doanh nghiệp tư nhân Chế biến gỗ Mạnh Tuyên và Công ty CP Sản xuất, kinh doanh Phú Thiên Long.

Ông Vũ Doãn Quang cho biết thêm, để siết chặt quản lý hoạt động của các CCN, các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với CCN trên địa bàn đã triển khai từ tháng 6-2014. Bên cạnh đó, để thuận lợi trong quản lý hoạt động của các CCN, các bộ, ngành liên quan cần hướng dẫn cụ thể quy định về Trung tâm Phát triển CCN (một tổ chức quản lý CCN).

TRANG  LÂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Nhiều không" ở các cụm công nghiệp