Từng là một “quan võ”, với vóc dáng vạm vỡ, ăn nói mạch lạc, giảng giải có lý có tình... ông có nhiều thuận lợi trong công việc mới.
Ông Nguyễn Đăng Vượng ghi chép từng vụ việc trong khu dân cư vào một cuốn sổ để tiện cho việc theo dõi, chỉ đạo phong trào
Ông trở thành khắc tinh của tội phạm và người “phán xử” có tín nhiệm trong khu dân cư. 90% số vụ mâu thuẫn gia đình, có khi tưởng như sắp tan đàn xẻ nghé lại cơm ngon canh ngọt nhờ có sự can thiệp của ông.
“Quan võ” về khu dân cưNăm 2003, tròn 50 tuổi đời, với 31 năm công tác, trung tá Nguyễn Đăng Vượng chia tay bạn bè, đồng chí ở cơ quan Công an TP Hưng Yên để về nghỉ hưu. Quê quán ở xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ (Hưng Yên), nhưng ông lại đăng ký về sinh hoạt Đảng và cư trú tại khu dân cư số 10, phường Bình Hàn (TP Hải Dương). Ông bảo: "Hải Dương là quê hương thứ hai với bao nhiêu kỷ niệm". Ban đầu, 4 năm liền ông là Trưởng ban an ninh, rồi liên tục 10 năm làm Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư.
Khu dân cư số 10 vốn là một làng quê, có ao chuôm, bờ tre, ruộng rau muống, với những con ngõ ngoằn ngoèo nhỏ hẹp, trơn lội. Sau này dẫu đã được đô thị hóa nhưng vẫn chưa xóa hết vẻ nghèo khó. Do thói quen làm ăn manh mún tiểu nông nên thu nhập của nhiều hộ còn thấp, đời sống khó khăn. Một khu dân cư có tới gần 500 hộ, với ngót 1.800 nhân khẩu, có 45 nhà trọ và trên dưới 200 người tứ xứ tá túc, tạm trú. Họ là những thanh niên nhà quê lên thành phố làm công nhân trong các công ty hoặc nhà hàng... Có thể nói đây là địa bàn phức tạp vào loại nhất nhì thành phố "nhất chợ, nhì ga", bởi khu 10 vừa sát chợ, lại gần nhà ga xe lửa. Khu có gần 50 đối tượng được quan tâm theo dõi vì vướng vào nhiều loại tệ nạn như trộm cắp, cờ bạc, nghiện ngập, buôn bán ma túy... Tình hình an ninh trật tự xã hội rất phức tạp và đương nhiên Trưởng khu lúc nào cũng phải nhoài cổ ra mà hứng chịu, giải quyết…
Đó là người vạm vỡ, ăn nói mạch lạc, khúc chiết. Ông kể rằng, 10 năm qua, ông đã phải giải quyết hàng trăm sự vụ xảy ra trên mảnh đất này.
|
|
Tôi đã gặp ông Trưởng khu Nguyễn Đăng Vượng. Đó là người vạm vỡ, ăn nói mạch lạc, khúc chiết. Ông kể rằng, 10 năm qua, ông đã phải giải quyết hàng trăm sự vụ xảy ra trên mảnh đất này. Cũng chả có gì to tát, động giời mà chủ yếu là mâu thuẫn, tranh chấp đất cát thổ cư. Rồi là cờ bạc, đánh cãi nhau, rồi chuyện hút hít ma túy, rồi ly hôn. Có thời kỳ, nạn mua bán ma túy diễn ra nhãn tiền, có những chiếc xe máy, ô tô xếp hàng chờ mua… người dân rất bức xúc.
Ông Vượng có nhiều năm làm Đội trưởng Đội trật tự đô thị và giao thông công cộng thị xã Hải Dương, có nhiều kinh nghiệm đấu tranh với tội phạm và biết cảm hóa con người, có lý có tình. Ngày còn là đội trưởng, ông đã cảm hóa được một thanh niên không nghề nghiệp, lang thang, thích gây gổ đánh nhau thành người có ích cho xã hội. Ông đã chủ động bàn bạc với Ban Quản lý chợ Phú Yên, nhận anh ta vào làm việc. Có công ăn việc làm ổn định, lại được giáo dục, anh này đã thay đổi tính nết, thành hiền lành, tận tụy với công việc...
“Người phán xử” lý tìnhBây giờ, trở về đời thường, lại tham gia chức vụ Trưởng khu dân cư, ông Vượng vẫn không quên kỷ niệm cũ. Những chuyện lục đục vợ chồng, gia đình ngõ phố tưởng như sắp tan đàn xẻ nghé, hoặc mâu thuẫn xóm làng nóng bỏng như lò lửa có thể bùng cháy… nhưng ông Vượng và tổ hòa giải vẫn làm cho chuyện lớn trở thành bé, chuyện bé thành không. Nhờ những sự can thiệp đó, các đôi vợ chồng lại cơm ngon canh ngọt, xóm giềng lại thuận hòa.
Hằng ngày, ông Vượng đọc báo cập nhật thông tin
Có những vụ việc trên phường giải quyết, dân chưa thông, chuyển về khu, ông Vượng vẫn có cách làm nhẹ nhàng êm ái. Ví như chuyện tranh chấp đất đai. Trong khu, có người mua đất rồi bán lại cho chủ mới. Chủ mới đến xây nhà, thấy có một cái cây trên khuôn viên đất của mình bèn chặt đi. Chị hàng xóm sang bắt đền, bảo rằng chính chị ta trồng cái cây đó. Lời qua tiếng lại cãi nhau, một bên nhún nhường xin đền tiền, nhưng bên kia nghĩ rằng mình bị khinh thường nên hét giá 20 triệu đồng. Anh chủ mới không chịu, xây bức tường lên thì chị kia cho người ra đạp đổ. Thế là hai nhà vác gậy gộc, định choảng nhau. Ông Vượng mời hai bên về nhà văn hóa khu giải quyết. Ông cho mời cả anh chủ đất cũ tới phân giải. Hóa ra khi bàn giao bán đất, anh quên không nói rằng cây kia do chị hàng xóm trồng nhờ… Anh ta xin lỗi. Thế là ngòi nổ đã được tháo. Chẳng ai khinh ai cả, tất cả là do hiểu lầm. Chị hàng xóm có cây bị chặt mang cây về làm củi. Nhà có tường bị đạp đổ thì mua vôi cát mà xây lại. Hai bàn tay bắt chặt nhau, khu phố lại thuận hòa.
Đó chỉ là một trong hàng trăm vụ việc mà ông Vượng từng trải qua trong 10 năm mang danh “vác tù và hàng tổng”.
Những trải nghiệm mấy chục năm làm công tác bảo đảm trật tự giao thông công cộng, bây giờ trước nhiệm vụ trưởng khu dân cư, ông Vượng ngẫm ra quả có những nét tương đồng. Ông cho treo một chiếc hòm thư tại nhà văn hóa khu. Tất cả người dân đều có thể ghi tên những người sử dụng ma túy, bỏ vào hòm thư mà không cần phải ký tên. Hằng ngày, ông Vượng mở hòm lấy thư tố giác, đêm về chong đèn nghiên cứu. Ông phân tích từng đơn tố giác và tiếp cận các đối tượng. Bằng biện pháp nghiệp vụ, ông khuyên bảo các đối tượng một cách chân tình. Kết quả là tệ nạn giảm đi, một số đối tượng bị pháp luật xử lý, một số kinh sợ bỏ hẳn nghề. Và khu dân cư 10 hết cảnh người xếp hàng mua ma túy.
Ông Vượng được cấp phát một tờ báo Hải Dương, ông thường xuyên đọc báo để cập nhật thông tin, và học hỏi kinh nghiệm các nơi về tổ chức hoạt động phong trào. Ông có một cuốn sổ dùng để ghi chép từng vụ việc trong khu từng tháng, từng năm. Sổ sách mạch lạc nên mỗi khi cần báo cáo, ông chỉ cần mở ra trình bày. Thật là "nói có sách, mách có chứng" rất thuyết phục.
10 năm làm cái chân "vác tù và hàng tổng" ông Vượng để lại nhiều dấu ấn. Khu 10 đã xây được nhà văn hóa khang trang đẹp đẽ và liên tục đạt tiên tiến xuất sắc, chi bộ trong sạch, vững mạnh. Con đường Đinh Văn Tả mới được tôn tạo rộng rãi phẳng phiu, cống thoát nước dài 600 m, từng được ấp ủ hai mươi năm qua nhiều đời chủ tịch phường, nay đã được cải tạo. Cả khu không còn cảnh hễ mưa là ngập lưng chân người… Khi còn tại ngũ, ông đã hiến dâng tuổi trẻ để giữ gìn bình yên nơi công cộng, nay nghỉ hưu ông vẫn mang tâm sức mình để chung tay xây dựng đô thị văn minh.
Quý III năm nay, chi bộ khu dân cư số 10 sẽ tổ chức đại hội. Trước đó, ông Vượng đã lên tiếng xin nghỉ Ban chi ủy và thôi chức Trưởng khu dân cư. Nhiều người đề nghị ông làm khóa nữa. Ông Vượng chắp hai tay lên ngực thiết tha: "Cảm ơn các đồng chí, tôi đã làm 10 năm rồi, 4 năm làm Trưởng ban an ninh là 14 năm. Nay tôi đã 65 tuổi, cho tôi được nghỉ, để các đồng chí tuổi trẻ làm. Tôi ở nhà còn bế cháu nội mới sinh".
Ông Vượng nói thực lòng. Ông rất vui vì khu dân cư trải qua những khó khăn, nay đã sạch đẹp, văn minh, còn gia đình ông cũng nhen lên một niềm vui mới là vợ chồng ông vừa được đón cháu nội đầu tiên sau nhiều năm chờ đợi.
KHÚC HÀ LINH