"Lão nông" noi gương Bác

09/02/2014 10:27

Cả khu bãi Ải ngoài đê của xã An Thanh (Tứ Kỳ) mênh mông với những ao cá, đầm rươi và vườn chuối tây xanh ngắt.


Lão nông Phạm Văn Tơ, Chi hội trưởng Chi hội Thủy sản xã An Thanh là ông chủ của 2 ha bãi. Tuổi đã ngoài 60 nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, xăm xắn chỉ đạo mọi việc. “Nếu năm nào cũng thuận lợi như năm nay, trừ chi phí, tính ra thu nhập từ trang trại này cũng ngót nghét 300 triệu đồng”, ông Tơ hồ hởi cho biết.

- Vậy là bác giàu to rồi!

- Bác Hồ chẳng bảo “dân có giàu thì nước mới mạnh” đó sao. Tôi biết làm giàu cho bản thân và giúp người khác cùng giàu có như mình, cũng là làm theo Bác nhỉ?” - ông Tơ cười đáp.

Ham học hỏi


Vừa giỏi làm giàu, ông Tơ vừa tích cực giúp đỡ các hội viên Chi hội Thủy sản xã An Thanh
Vốn là bộ đội chuyên nghiệp, xuất ngũ về quê, ông Tơ gắn bó với đồng ruộng.  Nhưng làm giàu bằng nghề nông rất khó bởi rủi ro lớn. Noi gương Bác, không biết thì học, ông Tơ vừa làm vừa học. Quan trọng hơn, ông dám thử nghiệm cái mới, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Nhớ lại những ngày đầu thử sức với kinh tế trang trại, ông kể: “Ấy là những năm 2003-2004. Hồi ấy bà con trong thôn đều đã nhận thầu canh tác đất bãi cả. Tôi tham gia sau vì lúc trước cơ chế cho đấu thầu đất chưa thoáng, mỗi nhà chỉ được 1 mẫu, sản xuất manh mún, khó mang lại hiệu quả. Khi có cơ chế mới, có thể dồn điền, đổi thửa, đấu thầu nhiều ruộng hơn tôi mới vào cuộc, nhận thầu  một lúc 4 ha đất bãi để đào ao thả cá và trồng chuối”. Nhận thấy việc nuôi cá truyền thống theo kinh nghiệm dân gian không đem lại hiệu quả kinh tế, ông tìm đến các nhà khoa học ở Viện Nuôi trồng thuỷ sản Trung ương 1 rồi Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, sẵn sàng tham gia các dự án thử nghiệm giống mới của họ. 3 năm đầu, ông làm dự án nuôi cá rô phi đơn tính. Hồi ấy cả khu bãi Ải chỉ có 3 hộ tham gia, trong đó nhà ông có tới 8 ao (gần 5 mẫu) nuôi cá. Hết cá rô phi đơn tính, ông lại chuyển sang nuôi cá tra, rồi đến cá chim, cá vược và bây giờ là cá lăng chấm. “Cái lợi của việc làm dự án với các nhà khoa học là mình học được nhiều thứ như việc tính trọng lượng của cá, ước chừng sản lượng ao nuôi, rồi cách cho ăn, chăm sóc cá khi thay đổi thời tiết... Người ta bày sẵn cho mình cả, chỉ việc áp dụng thôi nên hiệu quả ngay. Nếu cứ mày mò làm, nhiều khi thất bại, mất trắng cả cơ nghiệp”, ông Tơ bộc bạch.

Không chỉ học từ chuyên gia, ông Tơ thường xuyên mua sách chăn nuôi thủy sản, về các loại cây trồng về đọc và thường xuyên giao lưu, học hỏi từ chính những người cùng nghề. Mới đây, ông được kết nạp vào Hội Doanh nhân cựu chiến binh huyện Tứ Kỳ. Ông cho rằng đây là cơ hội tốt để mình có điều kiện giao lưu, học hỏi nhiều hơn kinh nghiệm làm ăn.

Không chỉ ham học hỏi, ông Tơ còn rất kiên trì và luôn lạc quan trước khó khăn. Ông đã từng nếm nhiều thất bại trong việc thử nghiệm các giống cây trồng như táo, bưởi Diễn, cam canh…thậm chí nhiều vụ cá thiệt hại hàng tấn do thời tiết. Nhưng ông vẫn lạc quan, không nản lòng. Đối với ông “thất bại là mẹ thành công”, mỗi lần như thế là một lần có thêm kinh nghiệm. Mấy năm gần đây, nhận thấy lợi thế của địa phương trong việc “nuôi” rươi, cáy, ông Tơ cùng nhiều hộ chuyển ao nuôi cá thành đầm "nuôi" rươi, cáy. Để thu lợi từ các loại con đặc sản này, ông Tơ triệt để áp dụng kinh nghiệm mà thế hệ cha ông để lại. Ấy là làm ruộng cấy lúa một vụ. Thu hoạch xong thì làm đất để đấy chờ cho đến nước rươi. Hết vụ rươi lại chuyển sang nuôi cáy. Quy trình sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu không sử dụng phân hóa học, không dùng thuốc trừ sâu...  

Tích cực giúp hội viên

Chi hội Thủy sản xã An Thanh được thành lập năm 2008. Ông Tơ được bầu làm Chi hội trưởng từ bấy đến nay. Ông thường xuyên tìm mời các chuyên gia thủy sản về hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên, đem kinh nghiệm của mình bày cho những người mới vào nghề. Ông cho rằng “buôn có bạn, bán có phường”, để phát triển kinh tế, nông dân không thể "đơn thương, độc mã", mà cần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Là người cao tuổi, có uy tín, có kinh nghiệm, ông thường xuyên động viên 35 thành viên của chi hội đoàn kết, tạo điều kiện cùng nhau phát triển kinh tế. Bản thân ông Tơ khi mới vào nghề cũng thường xuyên giúp bà con ở vùng bãi nguồn thức ăn chăn nuôi. Người khó khăn chưa trả được vốn ngay, có thể được trả chậm. Để sản xuất hiệu quả, Chi hội Thủy sản xã tích cực tham mưu cho địa phương làm đường ra bãi, quy hoạch, chỉnh trang lại khu bãi, tổ chức dồn điền, đổi thửa để sản xuất thuận tiện hơn. Sau này, ông nhượng một nửa diện tích cho người anh em của mình sản xuất, nhưng vẫn là người gặt hái nhiều thành công từ đất bãi. Có thời điểm, trang trại của ông thu hút tới hơn chục lao động.

Không chỉ giỏi làm ăn, ông Tơ còn là một đảng viên tích cực trong sinh hoạt. Trong khi nhiều người có suy nghĩ về hưu rồi là xin miễn sinh hoạt Đảng, thì ông Tơ vẫn đều đặn tham gia sinh hoạt chi bộ theo quy định, làm tròn nhiệm vụ của người đảng viên. Năm 2013, ông là một trong những cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được UBND tỉnh tặng Bằng khen.

HOÀI ANH

(0) Bình luận
"Lão nông" noi gương Bác