Gần đây, những sáng tác về đề tài làng quê không nhiều trên thi đàn. Có thể vì đây là một đề tài cũ, nếu người viết hôm nay không tạo được bản sắc riêng, không bứt lên được thì sẽ bị khuất lấp bởi "bóng rợp" của tiền nhân. May sao tôi bắt gặp bài thơ "Làng ơi" của tác giả Hà Cừ, một sáng tác mà bất cứ ai khi tiếp cận với nó cũng không tránh khỏi sự xúc động sâu xa với một nỗi niềm thầm kín về làng quê của chính cuộc đời mình.
Trong "Làng ơi", mặc dù viết về "làng" nhưng tác giả không chú tâm khai thác cảnh đẹp truyền
Làng ơi
Làng ta là nước là non Làng còn thì nước vẫn còn sao đâu?
Chiến tranh bạc nửa mái đầu Lại về cuốc bẫm cày sâu đồng làng. Có người sống cũng dở dang Có người mãi mãi lỡ làng tuổi xanh.
Làng bao em bé lớn nhanh Chỉ từ rau cháo mà thành hoa khôi Mà thành tiến sĩ... Làng ơi! Làng nuôi bao thế hệ người ra đi.
Đói no làng có tiếc gì Bao nhiêu trai tráng thảy vì nước non Làng còn thì nước vẫn còn Thịt xương trộn đất, máu cồn đại dương.
Làng và Biển - Đảo- Biên cương Tiếng làng, tiếng nước sao thương quá chừng Nước vui, làng cũng vui cùng Làng buồn nước có tưng bừng nổi chăng?
Nước - Làng chung một vừng trăng Nghìn năm Làng - Nước kết bằng máu xương! HÀ CỪ
|
thống hay hiện đại của làng mà tập trung diễn tả cảm nhận sâu sắc của mình về những hy sinh, những đóng góp âm thầm, lớn lao của "làng" trong việc tạo dựng sức mạnh tinh thần cũng như vật chất cho "nước", cho quốc gia trong mối quan hệ máu thịt, không thể tách rời.
Mở đầu bài thơ, Hà Cừ đưa ra một khẳng định, khẳng định mang theo một chút thách thức:
"Làng ta là nước là non
Làng còn thì nước vẫn còn sao đâu?"Như mạch ngầm tuôn chảy, từ những chiêm nghiệm, va đập của cuộc đời, từ sự cảm thông, thấu hiểu của mình, tác giả đã đưa người đọc trở về làng, nơi có những con người:
"Chiến tranh bạc nửa mái đầu
Lại về cuốc bẫm cày sâu đồng làng
Có người sống cũng dở dang
Có người mãi mãi lỡ làng tuổi xanh".Sử dụng điệp từ "có" kết hợp với những hình ảnh rất cụ thể nhưng không rơi vào kể lể. Ngược lại, nó hàm chứa sức nặng, sức khái quát không nhỏ. Bởi vì, chính những câu thơ giàu cảm xúc đã mở rộng chiều kích liên tưởng cho người đọc, dẫn người đọc đến với một miền quê, một xóm làng với biết bao thân phận, nỗi niềm. Nơi đó có những người ra đi giữ nước mãi mãi không về hoặc trở về với những thân hình không lành lặn. Lại có những người ở "làng", hóa đá chờ chồng "sống cũng dở dang", những người mẹ tảo tần nuôi con, thờ chồng, thờ con... Cứ thế, những câu thơ của Hà Cừ làm người đọc chìm vào suy ngẫm về sự vất vả, nhọc nhằn, thiếu hụt của "làng", của biết bao con người suốt đời gắn bó với "làng". Xúc cảm xót đau như được nối dài mà nếu chỉ như vậy thì ý thơ dễ rơi vào bi lụy. Nhưng từ khổ thứ ba, ý thơ đã khác:
"Làng bao em bé lớn nhanh
Chỉ từ rau cháo mà thành hoa khôi
Mà thành tiến sĩ... Làng ơi!
Làng nuôi bao thế hệ người ra đi".Dòng thơ thứ ba của khổ trên được ngắt ở giữa bằng dấu ba chấm như một nốt lặng rồi bật lên tiếng gọi "Làng ơi" từ sự dồn nén yêu thương xen lẫn xa xót, ngậm ngùi. "Làng"- gắn với nông thôn, nông dân, nhiều vất vả lận đận, thua thiệt, nghèo khó... Làng là nơi che chở những phận người trắc trở, đói no chẳng tiếc "nuôi bao em bé lớn nhanh", nuôi bao "hoa khôi", "tiến sĩ", "nuôi bao thế hệ người ra đi" và hiến dâng cho đất nước "bao nhiêu trai tráng". Như vậy làng là nguồn cội của tất cả, giống như người mẹ vĩ đại mang theo những tinh hoa truyền thống "biết hy sinh nên chẳng nhiều lời". "Làng" ở dây là một ẩn dụ nghệ thuật gợi nhiều cảm xúc. Tiếng gọi "Làng ơi" chính là tiếng gọi "Mẹ ơi" thảng thốt, nghẹn ngào, đắng đót của nỗi thương cha nhớ mẹ mỗi ngày. Câu thơ, ý thơ như thế khiến ta giật mình. Bởi vì, có phải bây giờ ai cũng hiểu, cũng nhớ, cũng trân trọng nguồn cội, cũng tha thiết yêu làng để sống, để đền đáp tình làng, nghĩa xóm?
Một nhà nghiên cứu dân tộc học cho rằng: Làng là sự mở rộng của huyết thống, nước thì xa hơn nhưng nước với làng cùng chung một cội nguồn. Bao đời nay, những người con ưu tú của làng ra đi vì nước, vì dân. Làng chất chứa trong mình biết bao sức mạnh và những điều kỳ diệu làm cho đất nước, cho dân tộc thăng hoa. Có làng mới có nước. Nước được hình thành bởi nhiều làng. Làng giàu thì nước mạnh và ngược lại. Cụm từ "làng còn thì nước vẫn còn" ở khổ đầu của bài thơ được nhắc lại ở dòng 6 của cặp lục bát sau này: "Làng còn thì nước vẫn còn/Thịt xương trộn đất, máu cồn đại dương". Như một cách gián tiếp, tác giả đưa ra kết luận dưới dạng một câu hỏi tu từ về mối quan hệ máu thịt giữa "làng" với "nước": "Nước vui làng cũng vui cùng/Làng buồn nước có tưng bừng nổi chăng?" để thêm một lần nữa, khẳng định: "Nước - Làng chung một vừng trăng/Nghìn năm Làng - Nước kết bằng máu xương". Hai từ "Làng", "Nước" được tác giả cố ý viết hoa như một sự nhấn mạnh, một sự khái quát, thể hiện một nhận thức trí tuệ nhưng không hề lên gân mà đằm lại, lắng sâu. Rồi, từ việc nhận thức mối quan hệ máu thịt, hòa quyện giữa "làng" và "nước" như thế, nhà thơ cụ thể hóa thêm về địa danh, mở rộng thêm cung bậc yêu thương đối với "làng", với "nước":
"Làng và Biển - Đảo - Biên cương
Tiếng làng, tiếng nước sao thương quá chừng".Toàn bộ bài thơ "Làng ơi" của Hà Cừ vẫn theo nhịp chậm, lắng, ngôn ngữ nhẹ nhàng, dung dị, không có ý kêu gọi, nhắc nhở người đọc, nhưng những cảm xúc yêu thương, thấu hiểu của anh dành cho "làng" - một điểm tựa tinh thần, nơi lưu giữ và thắp sáng vẻ đẹp tâm hồn dân tộc đã "hình thành nên những không gian nội tâm trong lòng độc giả". Yêu nước chính là yêu làng. Yêu nước là phải yêu làng, yêu biển, đảo, biên cương. Bởi vì "Làng - Nước kết bằng máu xương" của bao thế hệ con người Việt Nam. Với ý nghĩa đó, bài thơ "Làng ơi" đã chạm được vào tình cảm thiêng liêng của mỗi con người, thức tỉnh và tiếp thêm động lực cho mọi người trong việc điều chỉnh hành vi của mình.
Trong suốt bài thơ của Hà Cừ, chỉ một lần (trừ tên bài) tiếng gọi "làng ơi" được cất lên nhưng người đọc cứ nghe âm vang mãi. Phải chăng đó chính là sự thành công trong việc tạo sự ám ảnh, day dứt đối với người đọc - một trong những thành công không nhỏ của tác giả khi anh viết "Làng ơi" nói riêng và viết về đề tài nông thôn nói chung.
NGUYỄN THỊ THANH LÝ