Bằng nghị lực, ý chí vươn lên làm giàu, anh Phạm Tuấn Anh đã gặt hái được nhiều thành công trong sản xuất, kinh doanh...
Cơ sở sản xuất đồ gỗ của anh Phạm Tuấn Anh tạo việc làm cho
gần 20 lao động, chủ yếu là thanh niên nông thôn
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Thống Nhất (Gia Lộc), nhưng bằng nghị lực, ý chí vươn lên làm giàu và nhất là bằng sự nhạy bén, năng động trong cơ chế thị trường, anh Phạm Tuấn Anh đã gặt hái được nhiều thành công trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều thanh niên nông thôn.
Năm 1993, tốt nghiệp THPT, do điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn, anh Phạm Tuấn Anh theo người nhà vào Nam làm ăn phụ giúp gia đình. Sau 1 năm vất vả lăn lộn mưu sinh, anh lại trở ra Bắc. Nhận thấy nhu cầu về đồ gỗ trong dân cư ngày một tăng, sẵn có nghề mộc học được trong thời gian vào Nam, anh quyết định mở cơ sở làm đồ mộc ngay tại nhà. Ban đầu do không có vốn, kinh nghiệm còn ít, anh chỉ đầu tư một số máy móc cơ bản và sản xuất một số đồ gỗ thông thường như bàn, ghế, giường, tủ... Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, bao nhiêu vốn liếng thu về, anh lại tái đầu tư. Đến năm 2000, nhu cầu về đồ gỗ, nhất là đồ gỗ dân dụng ngày càng tăng, anh quyết định mở rộng cơ sở sản xuất và thuê thêm người làm. Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, vốn liếng, đến năm 2004, anh đầu tư mua đất mở cơ sở sản xuất ở khu trung tâm của xã. Cơ sở mới có diện tích gần 500m2, các thiết bị máy móc hiện đại. Ngoài việc sản xuất các sản phẩm đồ gỗ như bàn, ghế, giường, tủ... anh cũng là nhà cung cấp các sản phẩm gỗ công nghiệp khác cho địa phương và nhiều vùng lân cận. Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2006, anh tiếp tục mua đất, đầu tư cơ sở kinh doanh đồ gỗ nội thất, thiết bị văn phòng tại khu trung tâm xã Trùng Khánh. Năm 2010, doanh thu từ cơ sở sản xuất, kinh doanh Tuấn Huề của anh đạt hơn 2 tỷ đồng và cơ sở kinh doanh đồ gỗ nội thất, văn phòng của gia đình gần 1 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, doanh thu từ hai cơ sở tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2010, tạo việc làm cho 20 lao động, chủ yếu là thanh niên nông thôn, với mức thu nhập 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Anh Phạm Tuấn Anh cho biết: "Để có việc làm và thu nhập ổn định ngay tại quê hương là điều không dễ dàng. Vì vậy, tôi luôn mong muốn không chỉ tạo việc làm cho mình mà còn tạo việc làm cho nhiều thanh niên nông thôn khác. Tôi tâm niệm: Làm giàu thì đâu kể phố, quê. Điều quan trọng là mình có thị trường, thương hiệu và hơn hết là phải quan tâm tới người lao động".
Sản xuất, kinh doanh hiệu quả, anh Phạm Tuấn Anh tích cực ủng hộ các hoạt động của địa phương như: Đền ơn đáp nghĩa, thanh niên giúp nhau làm kinh tế, hỗ trợ Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, ủng hộ Hội Thanh niên xung phong của xã...
HV