Lợi dụng sự cả tin của nhiều người dân, Vũ Thị Lê cùng người tình đã gây ra hàng loạt vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở nhiều tỉnh, thành phố như Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội...
Vũ Thị Lê (giữa) tại cơ quan điều tra
Mất tiền, mất cả tình nghĩaGặp chúng tôi, hai nạn nhân là ông Phạm Văn Thắng và Lê Trọng Toàn (cùng sinh năm 1960, trú tại Nam Sách) tỏ vẻ bối rối, ngần ngại. "Tin lời người thân, người quen, chúng tôi bỏ tiền ra chạy chế độ. Đã vậy lại bị lừa... Chúng tôi cảm thấy rất xấu hổ", ông Thắng nói.
Theo lời kể của các bị hại, đầu năm 2013, họ nghe ông Lê Trọng Tiến (cùng quê), anh họ ông Toàn mách: "có đứa bạn chạy được chế độ thương, bệnh binh, hồ sơ đơn giản mà tốn ít tiền". Tin tưởng người thân, cả hai theo ông Tiến đến gặp một người phụ nữ tên là Lê ở số 26 phố Đoàn Kết (TP Hải Dương). Tại đây, Lê đã giả mạo giới thiệu ông Nguyễn Văn M., chồng Lê là "em trai của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời là cán bộ quản lý chế độ chính sách các tỉnh phía Bắc". Lê yêu cầu ông Thắng và ông Toàn đưa 2 bộ hồ sơ cùng số tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng lệ phí, nếu hồ sơ không được duyệt sẽ hoàn trả. Sau 1 tuần, Lê thông báo hồ sơ đã được duyệt và nhận thêm của mỗi người từ 34-35 triệu đồng, hẹn 6 tháng hoàn tất mọi thủ tục.
Qua nửa năm mà không được nhận chế độ nên ông Thắng và ông Toàn đã liên lạc nhiều lần để thúc giục song Lê chỉ hứa hẹn, khất lần. Sau đó, Lê còn hẹn gặp ông Toàn, ông Thắng tại cổng siêu thị Big C (TP Hải Dương) yêu cầu mỗi người nộp thêm 8 triệu đồng để làm giấy chứng nhận thương tật. Khi các bị hại nói rằng không muốn "chạy" chế độ nữa, chấp nhận lấy lại 2/3 số tiền thì Lê bảo phải xin ý kiến cấp trên. Ông Toàn kể: "Sau lần gặp đó, Lê bỏ trốn. Chúng tôi phục ở số nhà 26 Đoàn Kết hàng tháng trời mà không thấy. Hỏi ra mới biết cách đó 1 tháng, vợ chồng Lê đã trả nhà và chuyển đi đâu không rõ. Ngay cả ông Tiến, người đưa chúng tôi đến cũng không biết rõ về đôi vợ chồng này".
Sau nhiều tháng tìm kiếm, các bị hại phát hiện Lê đang sinh sống tại khu 8, phường Hải Tân (TP Hải Dương). Khi ông Thắng, ông Toàn đến gặp để lấy lại tiền, Lê không những không tiếp mà còn đến Công an phường trình báo có người đến nhà đe dọa, gây rối. Quá bức xúc, ông Thắng, ông Toàn đã tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Lê. "Chỉ vì lòng tham, cộng thêm sự nhẹ dạ, cả tin, chúng tôi đã bị lừa mất tiền lại còn mất luôn cả tình cảm anh em...", ông Toàn buồn bã nói.
Giăng bẫy liên tỉnh"Chỉ vì lòng tham, cộng thêm sự nhẹ dạ, cả tin, chúng tôi đã bị lừa mất tiền lại còn mất luôn cả tình cảm anh em..."
|
Sau khi nhận được đơn trình báo, Công an TP Hải Dương đã tiến hành xác minh vụ việc. Đối tượng Vũ Thị Lê (sinh năm 1969, trú tại xã Vĩnh Tuy, Bình Giang; hiện tại ở khu 8, phường Hải Tân, TP Hải Dương) từng có một đời chồng, đã ly hôn từ năm 1999, hiện có 3 con gái. Từ năm 2012, Lê có quan hệ tình cảm với Nguyễn Xuân M. (sinh năm 1959, trú tại Hải Phòng). Lê là nhân viên của một siêu thị trên đường Ngô Quyền, còn M. không có nghề nghiệp. Tuy nhiên, đi đến đâu, cặp đôi này cũng giới thiệu là cán bộ Nhà nước, có khả năng "làm" được chế độ thương binh, bệnh binh, chất độc da cam, xin việc, "chạy" trường, biên chế...
Qua một số người trung gian, Lê đứng ra nhận hồ sơ và tiền của những người có nhu cầu "chạy" chế độ. Trong quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã xác minh được thêm một nạn nhân là ông Nguyễn Văn Quang (sinh năm 1946, trú tại Sóc Sơn, Hà Nội). Năm 2012, Lê đã nhận hồ sơ và 45 triệu đồng của ông Quang để "chạy" chế độ. Tuy nhiên, sau gần 3 năm, hồ sơ của ông Quang vẫn... nằm im một chỗ.
Đại úy Đặng Xuân Hoàn, Phó đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an TP Hải Dương cho biết: "Quá trình điều tra, thu thập chứng cứ vụ án gặp rất nhiều khó khăn do người bị hại chủ quan. Bên cạnh đó, đối tượng hết sức ranh ma, ngoan cố, kiên quyết không khai nhận hành vi phạm tội của mình và đồng bọn. Lê chỉ nhận vay tiền của 3 người có giấy biên nhận chứ không lừa đảo".
Theo thông tin chúng tôi có được, từ năm 2012 - 2014, tại huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), cũng với thủ đoạn trên, Nguyễn Văn M., người tình của Lê đã khiến hàng loạt người dân trở thành người bị hại. Vụ việc đến nay không giải quyết được do không đủ tài liệu, chứng cứ. Nhiều người trung gian tương tự trong vụ việc này cũng chính là nạn nhân. Do quá tin tưởng, họ đã ký giấy nhận tiền của những người muốn "nhờ” làm chế độ rồi giao lại cho M. mà không biết mình bị lừa. Có người đã phải bán hết tài sản để trả thay M. số tiền lên tới gần 1 tỷ đồng.
Theo đại úy Đặng Xuân Hoàn: "Những năm gần đây xuất hiện tình trạng lừa chạy chế độ thương binh, bệnh binh để chiếm đoạt tài sản. Trước tình trạng này, người dân có đủ điều kiện hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước cần tìm hiểu kỹ thông tin và các quy định để đối chiếu hoặc liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn, giải quyết. Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không vì lòng tham mà trở thành nạn nhân của các đối tượng xấu".
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hải Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Thị Lê về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đơn trình báo của nhiều người khác ở một số địa phương thuộc các tỉnh, thành phố: Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội... đang được điều tra làm rõ. Những người có liên quan tới vụ việc này nên đến Công an TP Hải Dương trình báo ngay.
KHÁNH CHI