"Khúc cảm" thời hậu chiến

23/09/2012 10:36

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu là một người lính sinh ra để làm thơ, khoác “áo trận” vào cuộc chiến từ một người lính bộ binh trở thành một đại tá thi sĩ. Viết trực diện về chiến tranh đã khó, viết về thời hậu chiến lại càng khó hơn bởi “Chiến tranh mang khuôn mặt của đời thường”.  Ở đây “Khúc cảm” được biến tấu qua ám ảnh tiếng con mọt - loài động vật bé nhỏ mà sức phá hoại thật ghê gớm, tiếng mọt dai dẳng đục khoét như một di chứng không dễ nhìn thấy cứ âm ỉ xiết lưỡi cưa thời gian làm “ruỗng ra” cuộc sống tươi non đang từng ngày hồng da thắm thịt sau cuộc chiến tranh.

Mở đầu, nhà thơ chỉ mấy nét phác họa bằng “tâm cảm” đã tạo ra không khí chập chờn có chút gì liêu trai ám ảnh, ít ra cũng là trong ấn tượng của tâm thức, của không gian không mấy bình yên phấp phỏng, trăn trở. Đó là cảnh: “Tiếng mọt kêu đêm” là “đom đóm lập lòe” và “Cánh dơi chao muỗi”. Tất cả đều là những loại côn trùng mà môi trường hoạt động của chúng là bóng đêm đã tạo ra hiệu quả như nụ xòe dây cháy chậm đang dần chạm vào hạt nổ. Chính không gian ấn tượng này là khúc dạo đầu của “Khúc cảm” để hiện dần lên nhân vật chính đó là nhà thơ - người lính vừa đi qua cuộc chiến “Ngủ rừng, ngủ phố, đêm nay ngủ nhà”. Ngôi nhà gỗ ấy chừng đã cũ mới có tiếng mọt “Như khúc củi mềm ruỗng ra”. Chữ “ruỗng” là một chớp lóe trong khoảnh khắc sáng tạo, chỉ cảm thấy chứ không chạm được, nhìn được. Nó chỉ được cảm bằng sự mong manh bất ổn trong ám ảnh vô thức! Chính cái “mềm ruỗng” ấy để đẩy tới câu thơ như chạm, như khắc vào cảm giác nhà thơ: “Mọt kêu rờn rợn thịt da/Tiếng vô tri cũng khiến ta chạnh lòng”. Ở đây vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ - thi sĩ vụt sáng, tiếng mọt như là đối trọng với tiếng bom đạn ở chiến trường - phải tinh tế lắm, đa cảm lắm mới nhận ra được.

Nhà thơ không nói gì nhiều về sự mất mát nhưng đọc lên ta thấy rưng rưng một niềm thương cảm. Vết thương chiến tranh đã lên da non nhưng nỗi đau còn đó, khi con người đối diện với những hẫng hụt: “Nhà mình xa lạ như không phải nhà”. Người lạ cả nhà đó là chuỗi thời gian không được chỉ đo bằng ngày tháng mà đo bằng cả những tâm sinh lý biến đổi bởi sự khắc nghiệt của chiến tranh. Nhà thơ hướng về “Cỏ xanh trên mộ ông bà/Cha già khuất bóng, mẹ già lẻ loi”. Chính nhịp điệu của câu thơ lục bát đã tạo ra những dư âm day dứt ngân vang trong lòng người đọc có gì xa xót, mà chứa chan ân nghĩa. Ngôi nhà tuổi thơ ấy chứa bao nhiêu kỷ niệm. Tiếng mọt không chỉ ăn gỗ đâu, chúng đang gặm nhấm ký ức của nhà thơ; vì thế anh mới nhận ra: “Cái chân giường cũ lắm rồi”. Có thể trong ký ức tuổi thơ đôi khi tiếng mọt như tiếng ve, tiếng dế. Nhưng càng sống, càng trải nghiệm mới nhận ra, mới phân biệt được đâu là thiện, là ác. Vì thế, anh khép lại khúc cảm bằng một nhận thức ngậm ngùi: “Có gì xa lắc xa lơ/Mình như lạc giữa bến bờ nhân gian”.

 “Khúc cảm” của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu viết rất hiện đại ở cảm xúc tâm linh, những ám ảnh vô thức, nhưng được chuyển tải với thể thơ lục bát nhuần nhuyễn. Chính sự kết hợp này đã trả lời được phần nào câu hỏi lâu nay bạn đọc đang phân vân: Cảm xúc trong thơ là thế nào? Thế nào là thơ cách tân và truyền thống?

NGUYỄN NGỌC PHÚ

NGUYỄN ĐỨC MẬU

Khúc cảm

Bỗng dưng tiếng mọt kêu đêm
Đâu đây như khúc củi mềm ruỗng ra
Đêm giăng đom đóm nhập nhòa
Cánh dơi chao muỗi hiên nhà gió lay

Xa quê biền biệt tháng ngày
Ngủ rừng, ngủ phố, đêm nay ngủ nhà
Mọt kêu rờn rợn thịt da
Tiếng vô tri cũng khiến ta chạnh lòng

Nơi mình đỏ mắt chờ mong
Nhà mình xa lạ như không phải nhà
Cỏ xanh trên mộ ông bà
Cha già khuất bóng, mẹ già lẻ loi

Cái chân giường cũ lâu rồi
Mọt kêu nào phải như hồi ấu thơ
Có gì xa lắc xa lơ
Mình như lạc giữa bến bờ nhân gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Khúc cảm" thời hậu chiến