Nhiều gia đình chấp nhận thuê người làm với ngày công cao nhưng cũng khó tìm, trong khi giá các mặt hàng nông sản, đặc biệt vải thiều rất rẻ. Trừ mọi chi phí, thành quả lao động của người dân chẳng được là bao...
Đã vào vụ cấy, nhưng nhiều hộ nông dân rất khó thuê được người làm
Vừa xách bao vải, anh Nguyễn Văn Huy ở xã Thanh Sơn (Thanh Hà) than thở: "Vất vả lắm chị ạ! Cả năm trông chờ vào vụ vải mà bây giờ kết quả thu chẳng được bao nhiêu". Gia đình anh Huy có 1 mẫu vải, ước thu trên 2 tấn quả. Vải đang vào mùa thu hoạch rộ, thiếu lao động nên anh phải thuê thêm 2 người bẻ vải. Anh Huy cho biết, tiền công cao nhưng cũng rất khó thuê được lao động. May mắn anh đã thuê được 2 lao động với mức trả mỗi ngày công 200 nghìn đồng/người. Để thu hái vải nhanh, anh đã phải nấu cơm ăn trưa cho họ. Tính ra, mỗi ngày phải chi đến 230 nghìn đồng cho một người bẻ vải thuê. Trong khi đó, giá vải hiện đang xuống thấp, vải ngon, mẫu mã đẹp mới có giá 4-4,5 nghìn đồng/kg, những loại khác trung bình 3 nghìn đồng/kg, có loại chỉ còn 2 nghìn đồng. Trừ chi phí thuê người bẻ vải, tiền thuốc sâu, anh Huy chẳng lãi được bao nhiêu.
Mặc dù đang mùa thu hoạch, nhưng vải nhà chị Nguyễn Thị Dòn ở xã An Lương (Thanh Hà) vẫn còn ở trên cây. Chồng chị đi làm ăn xa, các con đều đi học, chị cũng phải đi làm. Vải lại không giống như những loại cây khác, đến vụ là phải thu ngay nếu không sẽ nhanh hỏng. Nhưng chị tìm mãi vẫn không thể thuê được lao động đến thu vải. Với mức giá thuê cao như hiện nay, trung bình gần 200 nghìn đồng/người/ngày, hoặc 1.700 đồng/kg vải thì tính ra không có lãi nên chị không thuê người hái vải. Tiếc của, cứ hết giờ làm việc chị lại đi thật nhanh về để bẻ vải, tối ngồi nhặt lá, bó buộc và 2 giờ sáng thì mang đi chợ bán.
Do ảnh hưởng của rét hại, vụ chiêm xuân năm nay phải kéo dài từ 15-20 ngày nên thời gian gieo cấy vụ mùa bị chậm lại. Do đặc thù thời vụ nên nguồn nhân lực thu chiêm, làm mùa thời điểm này cũng rất khó khăn. Năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng bác Nguyễn Thị Thu ở thôn Anh, xã Lê Lợi (Gia Lộc) vẫn phải ra đồng để thu hoạch lúa. Trong cái nắng gắt tháng 6, mệt nhọc sau khi bê được lượm lúa lên bờ, bác Thu cho biết: "Nhà tôi hiện chỉ còn hai ông bà già, các con tôi đều đi làm trong doanh nghiệp nên không có người để thu hoạch lúa. Thời vụ gấp gáp, đòi hỏi phải có sức khỏe mới thu hoạch lúa chiêm xuân nhanh gọn, kịp thời vụ. Các cháu đã cho tiền để thuê nhân công nhưng thời buổi này, giá công ngày mùa cao đã đành, để thuê được người làm giúp còn khó khăn hơn". Để cấy 2 sào ruộng sắp tới, bác Thu đã phải sang tận xã Nhân Quyền (Thanh Miện) tìm người và phải đặt cọc trước 50% tiền thuê.
Nguồn nhân công ngày càng khan hiếm nên giá nhân công ngày càng cao. Qua khảo sát tại các xã trên địa bàn các huyện Gia Lộc, Thanh Miện, Bình Giang, những ngày này, giá nhân công gặt, cấy đều tăng từ 5-10% so với năm ngoái. Công gặt một sào lúa khoảng 200 nghìn đồng, cấy một sào ruộng 250 nghìn đồng. Do thiếu nhân lực làm đất nên những ngày qua anh Nguyễn Văn Hoan, chuyên cày đất thuê ở xã Long Xuyên (Bình Giang) phải làm việc hết công suất. Anh Hoan cho biết: "Do đặc thù thời vụ năm nay gấp gáp nên việc làm đất cho bà con cấy lúa mùa cũng phải nhanh chóng hơn so với mọi năm. Năm nay gia đình tôi đã đầu tư thêm một máy cày lớn để phục vụ làm đất nhưng vẫn không đáp ứng được hết nhu cầu của người dân". Do giá xăng dầu tăng cao nên giá công làm đất năm nay cũng tăng đáng kể. Công cày bừa trọn gói một sào ruộng từ 140- 160 nghìn đồng, tăng 10% so với vụ mùa năm trước. Với người dân, việc thuê nhân công làm đất cũng gặp nhiều khó khăn. Anh Đỗ Văn Xã, thôn Quang Bị, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) cho biết: "Nhà chỉ có hai vợ chồng, các con đi học, nhà lại không có trâu, bò, chỉ còn cách thuê máy làm đất. Mặc dù đã đặt tiền trước nhưng phải đợi mấy ngày nữa chủ máy mới đến làm được. Thời vụ gấp gáp như hiện nay, làm đất vội, đất chưa kịp ngấu. Nếu cấy ngay, lúa rất dễ bị chết do ngộ độc hữu cơ".
Nguyên nhân thiếu nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp thời gian gần đây là do phần lớn những người trong độ tuổi lao động, có sức khỏe, lao động trẻ ở nông thôn đã chọn giải pháp thoát ly nông nghiệp, đi làm ăn xa trong các nhà máy, doanh nghiệp. Vì thế, người già, trẻ nhỏ cũng phải chạy đua cùng thời vụ trên những cánh đồng. Nhiều gia đình phải chấp nhận bỏ tiền thuê nhân công với giá gấp đôi. Đặc biệt, do đặc điểm thời vụ năm nay diễn ra gấp gáp, thu chiêm đến đâu, làm mùa tới đó nên nguồn nhân lực trong sản xuất nông nghiệp ngày càng khan hiếm, lao động dôi dư tại các vùng nông thôn không nhiều.
Trước thực trạng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng khan hiếm, việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp để thay thế sức người là việc làm cần thiết. Nhà nước cũng như địa phương đang có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp như chương trình hỗ trợ mua máy nông nghiệp của Hội Nông dân, chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp thông qua việc hỗ trợ mua máy móc phục vụ sản xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội. Bên cạnh đó, để tránh áp lực mùa vụ, bà con nông dân cần có kế hoạch sản xuất hợp lý. Hiện nay, do tiền thuê nhân công, chi phí mua vật tư chăm sóc vải cao, nên người trồng vải lãi rất thấp. Ở Thanh Hà xuất hiện nhiều hộ dân thiếu lao động, cây vải quá cao, quả thưa và nhỏ... đã bỏ, không thu hoạch. Trước tình trạng trên, người dân trồng vải cần chủ động thu hoạch, tranh thủ mọi thời gian, công sức, không nên lãng phí. Chính quyền các địa phương cần tăng cường quản lý, tránh tình trạng lợi dụng sức ép mùa vụ để tăng giá nhân công bất hợp lý.
LAN THỦY