"Học bán trú - những nỗi lo". Bài 2: Có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm?

23/09/2017 06:52

Những vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn bán trú ở nhiều địa phương đã làm cho các nhà trường và phụ huynh không khỏi lo lắng...



Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là nỗi lo thường trực của các nhà trường


Nhiều nỗi lo

Hiện nay, việc đóng góp tiền ăn bán trú cho học sinh do phụ huynh và nhà trường thỏa thuận, thống nhất. Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) khuyến khích các nhà trường nên thu tối thiểu là 12.000 đồng/học sinh/ngày. Nhưng thực tế nhiều trường ở khu vực nông thôn khó thu được mức này do thu nhập của phụ huynh còn thấp. Do đó, nhà trường cũng gặp khó trong việc xây dựng thực đơn với các khẩu phần đa dạng, vừa phải bảo đảm cân đối dinh dưỡng, vừa phù hợp với số tiền do phụ huynh đóng góp.

Hiện nay, hầu hết các trường xây dựng thực đơn dựa trên kinh nghiệm hoặc học hỏi từ những phần mềm có sẵn trên mạng chứ không theo một tiêu chuẩn nào. Anh N.T.H. ở phố Đoàn Kết (TP Hải Dương) cho biết: "Con tôi học lớp 1, ăn bán trú tại trường. Hôm nào về hỏi con bữa trưa ăn gì cháu cũng đều kể các món lạc rang, tép rang, đậu phụ rán, chả hoặc thịt gà công nghiệp. Sợ cháu ăn không đủ chất nên vợ tôi thường phải làm thêm các hộp thức ăn cho con mang theo". Chị N.K.T. nhà ở phố Bình Lộc (TP Hải Dương) cũng kể: "Vì không có thời gian đón và nấu cơm trưa cho con nên tôi mới phải gửi con ăn bán trú, chứ tôi xót lắm. Con đã gầy gò mà hôm nào về hỏi cháu cũng kể mấy món chính ở lớp là ruốc, đậu hoặc thịt băm. Tuy mấy món đó trẻ dễ ăn nhưng cứ lặp đi lặp lại e khó đủ chất".    

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ở bếp ăn trường học cũng là một mối lo lớn. Ở mỗi gia đình việc tìm nguồn thực phẩm sạch đã khó, huống hồ ở trường học với hàng trăm học sinh ăn bán trú đòi hỏi một lượng thực phẩm lớn thì làm sao lo được thực phẩm sạch là cả một vấn đề. Một số trường đã chủ động liên kết với những công ty cung cấp thực phẩm sạch, rau an toàn. Một vài trường tự trồng rau xanh để cung cấp cho học sinh nhưng chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu hằng ngày của các cháu. Những trường như trên cũng không nhiều.

Trường Tiểu học Bình Minh (TP Hải Dương) đã xây dựng được phòng ăn riêng cho học sinh, bếp ăn theo quy chuẩn một chiều, ký kết hợp đồng với những đơn vị cung cấp thực phẩm đáng tin cậy nhưng mối lo về ATVSTP vẫn luôn thường trực. Bởi lẽ để bữa ăn bán trú bảo đảm ATVSTP, đạt chất lượng cho học sinh là cả một chu trình từ việc lựa chọn thực phẩm đến chế biến. Chỉ cần sơ suất nhỏ trong một khâu cũng có thể dẫn tới hậu quả khôn lường. Cô giáo Nguyễn Thị Thư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh chia sẻ: "Sau mỗi bữa ăn cho tới lúc học sinh về nhà không xảy ra vấn đề gì liên quan đến sức khỏe các cháu thì chúng tôi mới yên tâm".

Chưa bảo đảm quy trình một chiều

Trường Mầm non xã Hà Thanh (Tứ Kỳ) có 6 điểm trường nhưng mới chỉ 3 điểm có bếp ăn. Những điểm trường còn lại phải nấu nhờ nhà dân hoặc vận chuyển thức ăn từ điểm trường khác đến. Theo quy định của Sở GDĐT thì tất cả các bếp ăn của Trường Mầm non Hà Thanh hiện vẫn chưa đáp ứng theo quy định bếp ăn một chiều. Nguyên nhân chủ yếu do nhà trường không có kinh phí. Sau khi thống nhất với phụ huynh, mức thu tiền ăn của nhà trường là 11.000 đồng/học sinh/ngày. Trong đó, 8.000 đồng cho bữa trưa, 3.000 đồng cho bữa phụ buổi chiều. Với số tiền eo hẹp trên, nhà trường phải "liệu cơm gắp mắm", tính toán kỹ lưỡng việc mua, chế biến thực phẩm. Do vậy trường chẳng còn tiền đâu mà lo xây bếp ăn một chiều. Việc phân chia thức ăn sau đó mang tới các điểm trường cũng làm tăng nguy cơ mất ATVSTP.

Ông Tăng Văn Hợp, Trưởng Phòng Chính trị, tư tưởng, Sở GDĐT cho biết: "Hiện nay, số lượng trường tiểu học có bếp ăn một chiều bảo đảm đúng theo yêu cầu rất ít. Hầu hết khu sơ chế, nấu nướng và chia thức ăn đều chung một phòng. Ít trường có người chuyên trách về nấu ăn có bằng cấp nên chất lượng dinh dưỡng cho học sinh chưa thực sự bảo đảm". Năm học 2016 - 2017, qua kiểm tra tại 19 trường học tổ chức ăn bán trú ở bậc mầm non và tiểu học, đoàn liên ngành của Sở GDĐT và Chi cục ATVSTP tỉnh phát hiện 3 trường có bếp ăn chưa bảo đảm yêu cầu. Nhân viên chưa có giấy chứng nhận về ATVSTP, không có trang phục bảo hộ. Ở các bếp vẫn còn tình trạng lưu mẫu thức ăn chưa đúng quy định. Nhiều trường còn thiếu nước uống cho học sinh.

Cần giám sát chặt chẽ

Toàn tỉnh có khoảng 300 bếp ăn bán trú trong trường học, tập trung chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học. Trong đó, có khoảng 200 bếp hơn 200 suất ăn do Chi cục ATVSTP tỉnh quản lý, còn lại những bếp có quy mô nhỏ hơn do UBND cấp xã quản lý. Những năm qua, tuy chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào tại bếp ăn bán trú trong trường học trên địa bàn tỉnh nhưng những mối lo về an toàn tại đây là hoàn toàn có cơ sở. Theo bà Dương Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, do lực lượng mỏng nên số bếp ăn bán trú trong nhà trường được kiểm tra không nhiều. Để giám sát chặt chẽ, thường xuyên thì chính Hội Cha mẹ học sinh cần vào cuộc. Hội Cha mẹ học sinh cần giám sát chặt chẽ về nguồn gốc thực phẩm vào các nhà trường, xem bữa ăn của con có đa dạng, đủ chất dinh dưỡng hay không;  đồng thời yêu cầu các trường phải ký kết hợp đồng với các cơ sở, cá nhân cung ứng thực phẩm có giấy chứng nhận bảo đảm ATVSTP, ký kết thỏa thuận chặt chẽ với người cung ứng, có xác nhận của địa phương trong bản hợp đồng...

Thực hiện đầy đủ yêu cầu của các bếp ăn bán trú trong trường học, nhà trường và phụ huynh cần nâng cao trách nhiệm, tổ chức giám sát chặt chẽ từ khâu lựa chọn thực phẩm đến chế biến sẽ góp phần tạo ra những bữa ăn an toàn và đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ.

HOÀNG QUÂN

(0) Bình luận
"Học bán trú - những nỗi lo". Bài 2: Có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm?