"Học bán trú - những nỗi lo". Bài 1: Lớp học "3 trong 1"

22/09/2017 08:00

Việc bố trí nhiều học sinh ngủ chung phòng mà không bảo đảm vệ sinh rất dễ trở thành môi trường thuận lợi để lây nhiễm bệnh...



Bàn học được sử dụng làm bàn ăn trưa của học sinh bán trú


Bởi tính tiện dụng nên ngày càng có nhiều phụ huynh gửi con học bán trú tại trường. Ngược với nhu cầu ngày càng tăng của phụ huynh thì cơ sở vật chất của các trường phần lớn vẫn chỉ mang tính tận dụng, lồng ghép kiểu lớp học "3 trong 1", nhiều hạn chế, bất cập.

Nhu cầu tăng

Từ khi con trai bước vào lớp 1, chị N.T.H. ở đường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) đã đăng ký cho con ăn bán trú tại trường. Do tính chất công việc của hai vợ chồng đều rất bận nên buổi trưa anh chị không thể sắp xếp công việc để về đón con, lo cho con bữa trưa rồi lại đưa cháu đi học cho kịp giờ buổi chiều. "Buổi trưa tầm 10giờ 30 lớp đã tan, chiều 14 giờ bắt đầu vào học, nếu nhà trường không tổ chức cho các cháu học bán trú thì vợ chồng tôi sẽ rất khó đưa đón con", chị H. nói.

Do sự tiện lợi nên 3 năm qua, chị H. vẫn đăng ký cho con học bán trú tại trường. Đây không chỉ là lựa chọn của riêng gia đình chị H. mà còn là giải pháp tối ưu cho rất nhiều bậc phụ huynh khác. Chị L.T.C. ở khu 11, phường Tân Bình (TP Hải Dương) làm ở Công ty CP Đá mài Hải Dương, chồng chị là bộ đội đóng quân ở Bắc Giang. Chị chia sẻ: "Chồng công tác xa, tôi lại phải làm cả ngày ở công ty, buổi trưa không được về, nếu không gửi con bán trú thì chả biết phải làm thế nào".

Với việc học bán trú, học sinh được chăm nom, dạy dỗ theo một thời gian biểu khoa học, rèn luyện tinh thần tự lập, hòa đồng với tập thể ngay từ bé. Về phía gia đình học sinh, việc cho con học bán trú cũng giải quyết được khó khăn trong việc sắp xếp thời gian, đưa đón trẻ đến trường, phụ huynh yên tâm làm việc. Cũng vì sự tiện lợi nên nhu cầu của phụ huynh gửi con học bán trú tại trường ngày càng tăng, đặc biệt ở khu vực đô thị.


Năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh có 184 trong tổng số 283 trường tiểu học tổ chức học bán trú, với 29% số học sinh tham gia. Trong đó ở TP Hải Dương, tỷ lệ học sinh khối tiểu học ăn bán trú tại trường chiếm khoảng 65%. Tại thị xã Chí Linh cũng có hơn 65% số học sinh khối tiểu học bán trú. Nhiều trường ở khu vực trung tâm thị xã có tỷ lệ học sinh học bán trú lên tới hơn 90% như Tiểu học Sao Đỏ 1 (97%), Tiểu học Phả Lại 1 (94%).

Tăng áp lực cơ sở vật chất



Bàn học cũng là giường ngủ, không có thanh chắn nên các cháu nằm phía ngoài không cẩn thận có thể bị ngã


Cơ sở vật chất của các nhà trường chủ yếu mới đáp ứng nhu cầu dạy và học. Số lượng học sinh bán trú ngày càng tăng đã tạo áp lực lên các trường trong việc bố trí chỗ ăn nghỉ cho học sinh... Khi xây dựng, hầu hết các trường tiểu học đều không bố trí diện tích xây nhà bếp, phòng ăn, phòng nghỉ riêng. Vì thế, các phòng học đều trở thành phòng đa năng theo kiểu “3 trong 1”.


Bàn học sau khi cất sách vở trở thành bàn ăn trưa. Sau đó những chiếc bàn ấy lại lật ra ghép với nhau thành một tấm phản dài để học sinh ngủ trưa. Học sinh nam và nữ được các cô giáo bố trí ngủ hai dãy khác biệt hoặc nằm đảo đầu, chân để chỗ nằm thoải mái hơn. Nhiều học sinh khối lớp 4, lớp 5, nhất là một số em cao lớn trước tuổi chỉ có thể co quắp khi ngủ chứ không thể duỗi thẳng chân tay cho thoải mái.


Các em học sinh bé hơn nằm không dám trở mình vì sợ chạm phải các bạn bên cạnh hoặc nằm ngoài không chú ý có thể bị... rơi xuống đất. Vì được thiết kế phục vụ việc học nên mặt bàn khá cứng, khi chuyển thành phản ngủ các em nằm cũng khá đau lưng. Chưa kể tới việc phòng học vẫn còn vương mùi thức ăn từ bữa trưa trước đó.

TP Hải Dương và thị xã Chí Linh có tỷ lệ trường khối tiểu học tổ chức học bán trú nhiều nhất tỉnh nhưng mỗi nơi cũng mới chỉ có 2 trường bố trí được phòng ăn riêng cho học sinh. Các phòng ăn riêng này cũng chỉ phục vụ được 3/4 số học sinh học bán trú. Do vậy, mô hình lớp học "3 trong 1" khá phổ biến dù có nhiều bất tiện.

Việc bố trí nhiều học sinh ngủ chung phòng mà không bảo đảm vệ sinh rất dễ trở thành môi trường thuận lợi để lây nhiễm bệnh, nhất là khi hiện nay các bệnh truyền nhiễm đang là nỗi lo lắng của cả cộng đồng như sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, cúm.


Trẻ còn có thể mắc một số bệnh ngoài da khác... Một số trường cũng chưa quan tâm trang bị những đồ dùng phục vụ giờ nghỉ trưa của học sinh. Việc các em dùng lẫn gối của nhau là bình thường. Nhiều trường, các cô cũng không thông báo phụ huynh mua chăn mỏng cho các em sử dụng, nằm trong phòng điều hòa nhiều em co ro vì lạnh.

Chị P.T.D. ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) có con học tại Trường Tiểu học Bình Hàn. Những năm con học lớp 1, lớp2 chị cũng đăng ký cho con học bán trú tại trường. Nhưng rồi chị nhận thấy con thường xuyên ngứa ngáy, khó chịu, sau đó phát hiện đầu con có chấy. Qua lời kể của con về các bữa ăn không hợp khẩu vị, chị D. quyết tâm bố trí thời gian đưa đón con và thôi không cho cháu học bán trú ở trường nữa.

Ngoài việc tận dụng phòng học, thì khu vệ sinh phục vụ nhu cầu tối thiểu của học sinh ở nhiều trường cũng chưa được quan tâm. Nhiều trường khu vệ sinh được xây dựng từ khá lâu, đã xuống cấp. Hơn nữa việc có từ vài trăm đến cả nghìn học sinh sử dụng nhà vệ sinh nên không tránh được việc mất vệ sinh, ảnh hưởng tới sức khỏe của các em...

THANH HOA

(0) Bình luận
"Học bán trú - những nỗi lo". Bài 1: Lớp học "3 trong 1"