Vì sao có tình trạng cho điểm 10 cả toán lẫn văn từ lớp 1 đến lớp 5, chỉ có giáo viên và ngành giáo dục mới biết.
Trên báo điện tử VnExpress ngày 26.5 đưa tin PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) kêu lên: "Tôi hốt hoảng quá vì nhiều hồ sơ được giải và điểm 10". Ông Cương cho biết 2 năm qua, mỗi năm Trường THPT Lương Thế Vinh nhận được khoảng 4.000 hồ sơ xin xét tuyển vào lớp 6. Điều khiến vị Phó Giáo sư này "hoảng" bởi trong đó có tới 1.000 học sinh được điểm 10 cả toán, tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5. Cứ 10 hồ sơ thì có 3 em được giải các loại. Ông Cương tâm sự: "Từ khi đi học đến khi đi dạy và nhiều năm trước tôi cũng không thấy học bạ nào được điểm 10 cả toán lẫn văn từ lớp 1 đến lớp 5. Hiếm lắm mới đạt toán 10, văn 9 là mừng lắm rồi".
Vì sao có tình trạng chấm điểm, cho điểm như trên, chỉ có giáo viên và ngành giáo dục mới biết. Chấm điểm và cho điểm là hai việc làm, hai khoảng cách khác nhau. Chấm điểm là theo thang điểm đối chiếu với chất lượng bài của học sinh. Còn việc khi đặt bút cho điểm có yếu tố ngoại lai kèm theo như "yêu, ghét" hoặc mua điểm hay không thì còn bàn dài dài. Nhưng liệu trong thực tế có nhiều học sinh giỏi cả hai môn văn, toán đều đạt điểm tối đa hay không? Chắc có nhưng cũng không nhiều như PGS Văn Như Cương phải kêu lên.
Qua việc này, liên hệ với thực tế lớp tiểu học của cháu tôi, sau khi họp tổng kết lớp, cháu tôi mang bảng điểm về, tôi thấy cả lớp 34 học sinh thì 30 cháu xếp loại giỏi, chỉ có 4 cháu xếp loại khá (tiên tiến), không có học sinh loại trung bình. Cháu tôi được xếp loại khá vì nghe mẹ cháu bảo do bận làm, nên ít đến "thăm" các cô giáo, nhất là cô giáo chủ nhiệm.
Điều đáng nói là nhiều người cho rằng thực trạng này là phổ biến ở các trường tiểu học. Học sinh giỏi thường chiếm trên 90%, còn lại là "tiên tiến", không có học sinh xếp loại trung bình.
Nếu thực chất trình độ học sinh như vậy thì thành tích của nhà trường rất đáng biểu dương. Tuy nhiên, chỉ vì chạy theo thành tích mà cho điểm cao sẽ rất nguy hại. Việc xếp loại như vậy chỉ là cái vỏ, còn thực chất rất đáng báo động. Vì thế, việc thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TƯ của Bộ Chính trị về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" cần phải được làm quyết liệt hơn. Trong đó, hiện tượng mà nhà giáo đáng kính Văn Như Cương phải hốt hoảng kêu lên cần phải được đặc biệt quan tâm.
VŨ HOÀNG LUYẾN(TP Hải Dương)