Cơ quan chống tham nhũng Thái Lan vừa mở cuộc điều tra đối với bà Yingluck, một đòn mới đánh vào chính quyền của bà sau nhiều tuần phải đối mặt với các cuộc biểu tình.
Âm mưu của phe đối lập
Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Thái Lan cho biết họ sẽ điều tra cáo buộc việc bà Yingluck lơ là nhiệm vụ của Thủ tướng trong chương trình trợ giá đầy tranh cãi cho nông dân trồng lúa. Ủy ban này cho biết họ sẽ xét xem liệu bà Yingluck có vi phạm luật hình sự hay không, nhưng không đề cập đến hình phạt mà bà sẽ phải gánh chịu nếu bị kết tội.
Trả lời trong cuộc họp báo, người phát ngôn của Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia cho biết ủy ban này sẽ buộc tội thêm 15 người khác, trong đó có một cựu Bộ trưởng Thương mại vì hành vi tham nhũng liên quan đến chương trình trợ giá gạo nêu trên.
Chương trình này đã vấp phải những chỉ trích nặng nề của phe đối lập - những người đang tiến hành chiếm giữ các giao lộ chính ở thủ đô kể từ hôm 13-1. Đây là một phần trong nỗ lực của họ nhằm buộc chính phủ của bà Yingluck phải từ chức và thay thế bằng một "Hội đồng nhân dân" không qua bầu cử. Mục đích của những người biểu tình là kiềm chế ảnh hưởng chính trị của anh trai bà Yingluck, cựu Thủ tướng sống lưu vong Thaksin Shinawatra, người đang bị phe đối lập cáo buộc vẫn "giật dây" chính phủ từ bên ngoài. Những người chỉ trích cho rằng những người thực hiện chương trình trợ giá gạo, vốn được đề ra để thu hút sự ủng hộ của người dân ở khu vực miền Bắc đối với đảng của bà Yingluck, đang dính líu đến các cáo buộc tham nhũng và khiến đất nước tồn đọng một lượng gạo lớn không bán được.
Bà Yingluck cũng đang phải đối mặt với một số cáo buộc pháp lý mà nhiều chuyên gia cho rằng có thể sẽ "hạ bệ" chính phủ của bà. Paul Chambers, Giám đốc nghiên cứu tại Viện các vấn đề Đông Nam Á tại Đại học Chiang Mai ở phía bắc Thái Lan nói: "Đây là cuộc chiến hao tổn sinh lực để hạ bệ chính phủ của bà Yingluck thông qua các quyết định của tòa án và sau đó, những người phản đối ông Thaksin sẽ gọi đó là một phần của tiến trình dân chủ".
Hàng chục nghị sĩ trong đảng của bà Yingluck cũng đang phải đối mặt với các cáo buộc của Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia vì liên quan đến nỗ lực sửa đổi điều khoản trong Hiến pháp nước này để áp dụng quy chế tất cả nghị sĩ thượng viện đều do dân bầu. Nếu bị kết tội, họ sẽ bị cấm tham gia chính trường trong 5 năm và việc này làm suy yếu khả năng bà Yingluck có thể thành lập một chính phủ mới sau cuộc bầu cử ngày 2-2 tới.
Bà Yingluck đã kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử vào ngày 2-2 nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc ở Vương quốc Thái Lan, song Đảng Dân chủ đối lập chính đang lên tiếng tẩy chay cuộc bầu cử này, bởi họ lo ngại rằng cuộc bầu cử sẽ lại đưa gia đình Shinawatra lên nắm quyền.
Phe đối lập hụt hơi?
Ngày 16-1, cảnh sát cho biết vụ "phong tỏa" Bangkok của những người biểu tình dường như đang thoái trào khi số lượng người biểu tình trên đường phố ngày một giảm đi. Cảnh sát trưởng quốc gia Adul Saengsingkaew cho biết chỉ còn khoảng 7.000 người biểu tình trên đường phố trong sáng 16-1, giảm từ con số 23 nghìn người tối 15-1.
Những cuộc biểu tình này là diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan kể từ khi người anh trai Thaksin của bà Yingluck bị lật đổ trong vụ đảo chính do quân đội thực hiện 7 năm trước đây. Cuộc biểu tình lần này bị kích động bởi dự luật ân xá (đã bị bác bỏ) có thể cho phép ông Thaksin về nước mà không phải chịu án tù bởi lời kết tội tham nhũng trước đây.
Nhà tỷ phú trở thành chính trị gia này đã nhận được sự ủng hộ lớn của người dân ở miền Bắc Thái Lan trong các cuộc bầu cử, song vấp phải nhiều chỉ trích từ những người dân miền Nam, tầng lớp trung lưu ở Bangkok và thành viên trong gia tộc hoàng gia.
Trong khi đó, chính phủ đã hối thúc cảnh sát bắt giữ thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban, người đang phải đối mặt với cáo buộc tiến hành cuộc nổi dậy, theo quy định có thể bị kết án tử hình. Sau cuộc họp với Cảnh sát trưởng Adul, Phó Thủ tướng Surapong Tovichakchaikul nói: "Bắt giữ Suthep là trách nhiệm của cảnh sát vì ông ta đang bị truy nã do tiến hành cuộc nổi dậy, nếu không, chính lực lượng cảnh sát sẽ đối mặt với cáo buộc không thi hành công vụ".
Một số nhà quan sát cho rằng thủ lĩnh chính trị đối lập kỳ cựu này sẽ không phải ngồi tù, bởi ông nhận được sự hậu thuẫn của Hoàng gia. Ông Suthep cũng đang bị buộc tội giết người vì dính líu đến vụ trấn áp của lực lượng quân đội nhằm vào những người biểu tình ủng hộ ông Thaksin khiến hàng chục người chết khi ông này giữ chức Phó Thủ tướng hồi năm 2010.
TTXVN