Bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhiều làng nghề đã ảnh hưởng tới chất lượng đời sống của người dân.
Nước thải lênh láng trên đường thôn Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng)
Chưa có làng nghề nào xây dựng được hệ thống xử lý nước thải, kể cả các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm. Vì vậy, nước thải và rác thải của quá trình sản xuất đều đổ thẳng ra môi trường.
Sự phát triển của làng nghề trong những năm gần đây đã và đang góp phần đáng kể vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động của tỉnh. Theo Sở Công thương, giá trị sản xuất tiểu, thủ công nghiệp (TTCN) và làng nghề năm 2010 đạt 5.200 tỷ đồng, chiếm 23,1% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 đạt 21,4%/năm. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp của 61 làng nghề đã được công nhận đạt 760 tỷ đồng. Sản xuất TTCN và làng nghề đã giải quyết việc làm cho trên 10 vạn lao động, chiếm 11,4% tổng số lao động toàn tỉnh. Riêng các làng nghề tạo việc làm cho trên 30 nghìn lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra phổ biến và nghiêm trọng tại nhiều làng nghề đã ảnh hưởng tới chất lượng đời sống của người dân. Một số cơ sở sản xuất TTCN và làng nghề xuất hiện tự phát, chưa có quy hoạch, nằm xen kẽ trong khu dân cư, trình độ tổ chức, quản lý còn yếu kém, sản xuất không ổn định. Cơ sở hạ tầng các làng nghề như giao thông, thông tin liên lạc, cấp thoát nước... chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh. Thực tế tại một số làng nghề cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường đã ở mức báo động. Qua khảo sát 50 trong tổng số 61 làng nghề của tỉnh, có 35 làng thành lập được đội thu gom rác thải (chiếm 70%), 25 làng có bãi chôn lấp rác thải tập trung (chiếm 50%). Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đang gia tăng, nhưng vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành và cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Tại các làng nghề, phần lớn nước thải, chất thải rắn, lỏng và chất thải nguy hại không được thu gom, xử lý theo đúng quy định mà được thải ngay ra các trục đường giao thông, ao hồ, kênh mương và các khoảng đất trống trong làng, ngoài đồng gây ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Theo kết quả phân tích của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), nhiều làng nghề có những thông số vượt quy chuẩn cho phép. Tại làng nghề chăn nuôi xã Lai Vu (Kim Thành), các thông số TSS, COD, BOD5, N-tông, N-NH3, Coliform... đều vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần. Cụ thể, COD đạt 843 mg/l, vượt 8,4 lần; N-tông đạt 220 mg/l, vượt 7,3 lần; BOD5 đạt 417 mg/l, vượt 8,3 lần; Coliform vượt 42 lần... Tại một số làng nghề, tình trạng ô nhiễm môi trường đã trở nên rất nghiêm trọng, kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết như các làng nghề nấu rượu Phú Lộc ở xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng), làm bún ở xã Tân Tiến (Gia Lộc), làng nghề bánh đa Lộ Cương (TP Hải Dương), làng nghề bún, bánh Lang Khê ở xã An Lâm (Nam Sách)...
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Vũ Đình Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, do quy mô sản xuất của các làng nghề còn nhỏ lẻ, phân tán nên việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải chung rất khó thực hiện. Các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể chiếm phần lớn, việc liên kết giữa các cơ sở sản xuất với nhau cũng như khả năng quản lý của chính quyền địa phương còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhận thức về môi trường và bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp và người dân trong các làng nghề còn hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng nông thôn nói chung, làng nghề nói riêng còn yếu. Đường giao thông còn nhỏ bé, chật hẹp. Hệ thống điện, cấp nước chưa được xây dựng hoặc đã xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu phát triển. Các làng nghề còn đối mặt với nhiều áp lực chưa dễ giải quyết như: quy mô sản xuất nhỏ, mặt bằng chật hẹp, nếu muốn mở rộng sản xuất, đầu tư công nghệ sẽ phải lấn chiếm không gian sinh hoạt của người dân. Các hộ làm nghề sống xen kẽ trong khu dân cư nên chất thải trong sản xuất ảnh hưởng trực tiếp tới các hộ dân xung quanh, chất lượng môi trường ngày càng xấu. Hầu hết các làng nghề đều có công nghệ lạc hậu, trong khi vốn đầu tư sản xuất quá thấp, khó có điều kiện đầu tư công nghệ thân thiện với môi trường. Nhiều làng nghề chưa quan tâm tới xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho việc quản lý và xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường.
LÃ VỌNG