Đối với nhiều người thì chuyện "đảo chính không đổ máu" không còn xa lạ ở xứ sở chuột túi do trong 5 năm qua có tới 4 lần thay đổi thủ tướng kiểu này.
Người dân Australia qua một đêm thức dậy có thủ tướng mới. Nhiều người tỏ ra bất ngờ, song đối với nhiều người thì chuyện "đảo chính không đổ máu" không còn xa lạ ở xứ sở chuột túi do trong 5 năm qua có tới 4 lần thay đổi thủ tướng kiểu này.
Ông Malcolm Turnbull (phải) có thể sẽ phù hợp hơn ông Tony Abbott (trái) trong lãnh đạo liên minh
cầm quyền Australia duy trì sự đoàn kết nhằm đối trọng với Công đảng trong cuộc bầu cử liên bang vào tháng 9-2016
Bội ước với cử triThủ tướng Tony Abbott bị loại khỏi chính trường trong một cuộc bỏ phiếu chóng vánh của nội bộ Đảng Tự do tối 14-9 và buộc phải nhường lại chiếc ghế nóng cho Bộ trưởng Truyền thông của mình, ông Malcolm Turnbull. Ông Abbott phải ra đi sau 2 năm dẫn dắt, đưa liên minh Tự do - Quốc gia lên cầm quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang Australia tháng 9-2013.
Hai năm là khoảng thời gian đủ dài để chứng tỏ năng lực điều hành đất nước, song cái người ta nhìn thấy lại là một chính quyền Abbott vật lộn với bỏ phiếu tín nhiệm và có những quyết định đi ngược lại lời hứa với cử tri. Tỷ lệ cử tri ủng hộ ông giảm dần theo thời gian. Sau cuộc bầu cử 2013, tỷ lệ ủng hộ ông là 53%, tuy nhiên trong năm đầu tiên làm thủ tướng, tỷ lệ ủng hộ chỉ còn dưới 50% và bước sang năm thứ hai còn tồi tệ hơn khi chỉ xoay quanh mức 40%, mức thấp nhất trong lịch sử Australia đối với một thủ tướng.
Mặc dù đã tích cực triển khai chính sách siết chặt kiểm soát nhập cư, cải cách hệ thống y tế, song việc cắt giảm ngân sách ở một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, tăng phí khám bệnh, kéo dài độ tuổi nghỉ hưu ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận người dân khiến uy tín cá nhân của Thủ tướng Abbott và liên đảng ở mức thấp hơn so với đảng đối lập. Hiện thủ lĩnh Công đảng đối lập Bill Shorten có tỷ lệ ủng hộ cao hơn so với ông Abbott (41%).
Trong khi đó, nền kinh tế Australia năm 2014 và nửa đầu năm 2015 bị ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế, đặc biệt là giảm giá hàng xuất khẩu quan trọng là quặng sắt, vốn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế và là nguồn thu lớn của Australia trong suốt 10 năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp của Australia dao động ở mức 6,4 - 6,5% với khoảng 800.000 người chính thức thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp cao, ngành khai khoáng mất vị trí là ngành đem lại lợi nhuận lớn nhất được coi là cú sốc đối với nền kinh tế Australia, cùng với đồng nội tệ giảm mạnh so với USD... là những nguyên nhân buộc Ngân hàng Dự trữ liên bang Australia giảm lãi suất thấp kỷ lục, còn 2%.
Ngoài ra, ông Tony Abbott còn bị cáo buộc không thực hiện nhiều lời hứa như tạo điều kiện cho phụ nữ vào chính quyền, ủng hộ hôn nhân đồng tính, không cắt giảm biên chế đài truyền hình quốc gia và đặc biệt là vấn đề tạo việc làm. Ông còn cứng nhắc trong xử lý vấn đề người di cư và chưa quan tâm đúng mức tới biến đổi khí hậu.
Lịch sử có lặp lại?Trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, tân Thủ tướng Turnbull còn thẳng thắn tuyên bố ông Abbott không có năng lực lãnh đạo nền kinh tế và kêu gọi các đồng nghiệp ủng hộ “phong cách lãnh đạo mới tôn trọng trí tuệ của nhân dân” thay vì đưa ra khẩu hiệu. Ông Turnbull còn cảnh báo nếu ông Abbott tiếp tục đảm trách cương vị thủ tướng thì hậu quả sẽ rất lớn và nhiều khả năng vị trí thủ tướng sẽ rơi vào tay lãnh đạo Công đảng đối lập Bill Shorten trong cuộc bầu cử năm tới. Ông Turnbull tự cho rằng mình là người thích hợp nhất để dẫn dắt Australia trong thời điểm nền kinh tế đang có những thay đổi lớn; đồng thời khẳng định tiếp tục duy trì các chính sách về khí hậu hiện nay và trưng cầu dân ý về hôn nhân đồng tính.
Chuyện quyền lực đã được ấn định, vấn đề của liên đảng cầm quyền hiện nay là liệu có duy trì được sự đoàn kết để chạy đua với Công đảng đối lập trong cuộc bầu cử liên bang dự kiến vào tháng 9-2016 hay không bởi lịch sử gần như đang lặp lại. Hơn 2 năm trước, vào giữa năm 2013, khi chỉ còn vài tháng là tới tổng tuyển cử, Công đảng cầm quyền lúc bấy giờ cũng đã “thay ngựa giữa dòng” và bị thất bại trong cuộc tổng tuyển cử tháng 9-2013.
Với tỷ lệ phiếu chênh lệch cao giữa hai ông TurnBull và Abbott trong cuộc bỏ phiếu tối 14-9, người ta đang nghi ngờ có sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Đảng Tự do. Trong khi đó, một số nghị sĩ Đảng Quốc gia trong liên đảng cầm quyền do không đồng tình với việc ông Abbott bị lật đổ một cách chóng vánh như vậy đã cảnh báo không hợp tác nếu tân Thủ tướng TurnBull không đáp ứng một số yêu cầu của họ.
Ông Malcolm Turnbull từng là luật sư, doanh nhân thành đạt và cũng là một trong những người giàu nhất Australia. Ông là nhà hùng biện xuất sắc, thường xuyên giành lợi thế trong các cuộc tranh luận và giành được nhiều sự ủng hộ từ người dân cũng như nội bộ Đảng Tự do. Người ta kỳ vọng ông Turnbull sẽ thành công không chỉ trên cương vị thủ tướng mà cả một chủ tịch đảng biết đoàn kết nội bộ để “lịch sử sẽ không lặp lại” với một chiến thắng cho Đảng Tự do trong cuộc bầu cử sắp tới.
PHƯƠNG LINH (tổng hợp)