Ông Nguyễn Văn Túc - người bị tai biến nhưng vẫn gương mẫu hiến đất và vận động người dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn...
Ông Nguyễn Văn Túc (bên phải) ở thôn Lam Khê, xã Hồng Phong (Nam Sách)
gương mẫu trong thực hiện phong trào ở địa phươngBị tai biến từ năm 2004, sức khỏe kém, không đi lại được nhưng ông Nguyễn Văn Túc, 72 tuổi đời, 45 năm tuổi Đảng ở thôn Lam Khê, xã Hồng Phong (Nam Sách) là một minh chứng sống động cho việc ai cũng có thể góp phần xây dựng quê hương, chỉ cần có tâm huyết và trách nhiệm.
Chủ động hiến đất Tuyến đường trục chính của thôn Lam Khê được làm từ năm 1999 chỉ rộng 1,5 m, bê tông dày 10 cm, không bảo đảm tiêu chí nông thôn mới (NTM). Không những thế, sau khi bị đào lên để lắp đặt đường ống nước sạch, tuyến đường này càng xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, hoa màu của người dân. Năm 2015, hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, được UBND tỉnh hỗ trợ xi-măng nên thôn Lam Khê quyết định làm lại tuyến đường đạt chuẩn theo tiêu chí NTM.
Do phát sinh một số khó khăn nên lãnh đạo và nhân dân trong thôn thống nhất sẽ chia tuyến đường thành 3 đoạn để từng bước thực hiện. Đoạn đầu của tuyến đường bắt đầu từ đầu làng đến nhà ông Nguyễn Văn Túc dài khoảng 700 m. Để làm được đoạn đường này, thôn đã phải tổ chức nhiều cuộc họp dân. Ông Tô Xuân Đào, nguyên Trưởng thôn Lam Khê cho biết: "Khi tổ chức họp tại nhà ông Túc, do một số người chưa thật sự đồng thuận nên đã xảy ra to tiếng, rồi làm hỏng một số tài sản của gia đình ông Túc. Tuy vậy, ông Túc không trách cứ ai mà ông còn nhẹ nhàng khuyên giải khiến mọi người phải thay đổi suy nghĩ".
Khi chúng tôi hỏi về việc này, ông Túc kể: "Khi ấy, tôi thấy một số người chưa đồng thuận nên cũng tham gia đóng góp một số ý kiến. Tất cả đều xuất phát từ mong muốn làm cho thôn, xóm tốt đẹp hơn. Tôi cho rằng làm đường là việc tốt, tạo điều kiện để nhân dân trong thôn phát triển kinh tế. Vì thế mọi người nên ủng hộ vì lợi ích chung".
Sau những lời góp ý nhẹ nhàng của ông Túc, việc làm đường ở khu vực nhà ông diễn ra thuận lợi hơn. Ông Túc còn ủng hộ việc làm đường bằng việc làm cụ thể, thiết thực là tự nguyện tháo dỡ hàng quán của gia đình, hiến khoảng 30 m2 đất ở trị giá trên 75 triệu đồng để mở rộng đường của thôn. Trước việc làm của ông, bà con trong thôn rất cảm kích nên đã cùng nhau giúp ông Túc xây dựng lại công trình. Vợ chồng ông Túc cũng đóng góp kinh phí làm đường đầy đủ như bà con dù vợ chồng ông chỉ có nguồn thu từ mấy sào ruộng.
Ông Đào Văn Lừng, hàng xóm của ông Túc nói: "Giống như gia đình ông Túc, chúng tôi cũng hiến đất để mở rộng đường. Nhưng tôi thật sự cảm phục trước việc làm của ông Túc bởi ông đã lớn tuổi, lại bị bệnh, điều kiện khó khăn nhưng vẫn rất quan tâm đến việc chung của thôn xóm".
Hiến kếSức khỏe kém, không trực tiếp lao động chân tay được, nhưng ông Túc không bị khuất phục bởi hoàn cảnh. Ông đã tìm cách đóng góp cho xây dựng NTM bằng cách riêng của mình. Đó là làm người hiến kế xuất sắc.
Trước kia ông từng là cán bộ thôn nên ông nắm rất rõ đặc điểm, địa hình đất nông nghiệp của thôn. Chính vì thế, khi Lam Khê thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), lãnh đạo thôn đã đến tham khảo và được ông đóng góp nhiều ý kiến quý báu. Cánh đồng thôn Lam Khê trước kia chỉ có 1 chỗ ở khu Ngọn Quàn để thoát nước. Mỗi khi trời mưa, nước tiêu thoát chậm nên không ít lần bị ngập úng, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp của bà con. Do đó, theo ông Túc, thôn nên tranh thủ việc DĐĐT chỉnh trang đồng ruộng, làm thêm mương máng để có thêm chỗ thoát nước ở khu Đầu Lợn. Thấy ý kiến của ông hợp lý nên thôn đã quyết định mở thêm mương máng. Từ đó, thời gian tiêu thoát nước giảm xuống chỉ còn từ 1-2 giờ, hạn chế thiệt hại mùa màng do mưa úng.
Qua nắm bắt tâm lý của người dân là ngại khó, ngại xa khi DĐĐT nên ông Túc đã trao đổi với lãnh đạo thôn nên làm đường giao thông và kênh mương trước khi thực hiện việc DĐĐT. Khi thực hiện DĐĐT, gia đình ông đã hiến 7 thước ruộng cho thôn làm đường, làm kênh mương mà không đòi hỏi bất kỳ quyền lợi nào.
Nhận xét về ông Túc, ông Vương Văn Sáng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: "Mặc dù không đi lại được nhưng ông Túc vẫn thường xuyên nghe đài, tham khảo sách báo về phong trào xây dựng NTM. Vì thế, khi thôn, xã xây dựng NTM, ông Túc hưởng ứng phong trào bằng những lời nói và việc làm cụ thể có ý nghĩa để thúc đẩy phong trào. Ông còn là người sống chan hòa, khiêm tốn, được nhiều người dân trong làng quý mến".
Đầu năm 2017, xã Hồng Phong đã vinh dự được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM. Trong sự thành công chung của phong trào, người dân địa phương luôn ghi nhận những đóng góp tâm huyết, ý nghĩa của đảng viên Nguyễn Văn Túc.
THANH HÀ