"Dậm chân tại chỗ"

13/01/2014 07:12

Việc giải quyết “đầu ra” cho VĐV hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được khắc phục.




Giải quyết tốt chế độ, chính sách cho các vận động viên sẽ giúp họ thêm nỗ lực, quyết tâm tập luyện, thi đấu


Những năm qua, tỉnh ta có nhiều chế độ, chính sách ưu đãi đối với những vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao. Tuy nhiên, việc giải quyết “đầu ra” cho VĐV hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được khắc phục.

Chủ trương đúng    

Năm 2012, tỉnh ta triển khai Đề án "Giải quyết chế độ đặc thù đối với VĐV thể thao thành tích cao tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2012 - 2015". Một trong những nội dung của đề án là giải quyết "đầu ra" cho VĐV khi không còn khả năng thi đấu đỉnh cao. Theo đó, những VĐV đoạt huy chương vàng SEA Games và có trình độ đại học về chuyên ngành thể dục, thể thao (TDTT) được xét tuyển thẳng vào viên chức, làm huấn luyện viên tại các trung tâm TDTT, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc ưu tiên thi tuyển công chức. Các VĐV đã hoàn thành nhiệm vụ khi có nhu cầu được cử đi học đại học, cao đẳng chuyên ngành TDTT. Sau khi tốt nghiệp, số sinh viên trên được ưu tiên cộng điểm khi xét hoặc thi tuyển vào các công việc như: làm giáo viên giáo dục thể chất tại các trường phổ thông trong tỉnh; làm cán bộ phong trào ở các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp; làm hướng dẫn viên chuyên trách tại các đơn vị văn hóa, thể thao cấp cơ sở... Các VĐV có nhu cầu học nghề được ưu tiên đào tạo miễn phí tại các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề của tỉnh. Các đội tuyển bóng chuyền nữ, bóng bàn thi đấu mang thương hiệu quảng cáo cho doanh nghiệp, khi hoàn thành nhiệm vụ đề nghị doanh nghiệp ưu tiên nhận VĐV vào làm việc. VĐV sau khi hoàn thành nhiệm vụ được vay vốn ưu đãi tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách - Xã hội của tỉnh để học nghề và tự tạo việc làm...

Đề án đã thể hiện sự quan tâm của tỉnh trong việc giải quyết công ăn, việc làm cho VĐV, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người yêu thể thao.

Chưa được thực thi

Đến nay, dự án về giải quyết chế độ đối với VĐV thể thao thành tích cao hầu như vẫn "dậm chân tại chỗ", các chế độ ưu đãi cho VĐV chưa được thực hiện.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn nên những đơn vị có đội bóng chuyền nữ mang thương hiệu quảng cáo rất khó thu xếp được việc làm cho các VĐV. Đồng thời, VĐV khó tìm được việc làm ở các cơ quan, trường học, đơn vị, địa phương vì các nơi này đang thực hiện việc tinh giản biên chế. Hệ thống thiết chế văn hóa, TDTT ở cấp huyện, cấp xã hầu như chưa có gì nên các VĐV ít có cơ hội tìm việc làm.

Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến khó giải quyết "đầu ra" cho VĐV là sau gần 2 năm đề án ra đời, đến nay, các ngành liên quan chưa xây dựng được bộ tiêu chí cụ thể cũng như hướng dẫn thực hiện cho từng đối tượng VĐV như: Trường hợp nào sẽ được tuyển vào viên chức làm huấn luyện viên? Trường hợp nào được cử đi học? Nguồn kinh phí ở đâu? Mức hỗ trợ bao nhiêu? Trường hợp nào sẽ được tuyển vào ngành giáo dục, công tác ở cơ sở? Khi tham gia thi tuyển, xét tuyển viên chức, công chức, các VĐV được ưu tiên những gì, mức độ thế nào?... Do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa những ngành liên quan nên hiện nay, các chế độ đãi ngộ trong việc học chuyên nghiệp, học nghề, tuyển dụng làm giáo viên... VĐV hầu như chưa được hưởng gì.

Hiện nay, ở các trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao tỉnh có gần 40 VĐV đã và đang học đại học chuyên ngành về TDTT nhưng kinh phí hầu hết do các VĐV tự trang trải. Đồng thời, các trung tâm đã giải quyết việc làm cho hơn 10 VĐV sau khi dừng thi đấu thành tích cao làm huấn luyện viên và công tác phục vụ. Các vị trí việc làm này đều xuất phát từ sự bố trí của các trung tâm chứ chưa phải thực hiện theo đúng tinh thần của đề án. VĐV môn cử tạ Nguyễn Thị Hòa cho biết: "Trong quãng thời gian 2007 - 2012, em theo học đại học. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình không hỗ trợ được gì. Các khoản đóng góp, chi phí cho việc học đều do em tiết kiệm từ tiền lương và vay thêm bạn bè".

Lý do nữa dẫn đến khó thực hiện việc giải quyết "đầu ra" đối với VĐV, đó là tiêu chí ưu tiên của đề án cũng không phù hợp. Ông Phạm Văn Mạnh, Trưởng Phòng Quản lý công chức, viên chức (Sở Nội vụ) cho biết: Đề án đề cập đến việc xét tuyển thẳng vào viên chức đối những VĐV đoạt huy chương vàng SEA Games và có trình độ đại học về TDTT, việc này không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật. Việc đoạt huy chương vàng SEA Games chỉ có thể coi là điều kiện hoặc cộng điểm ưu tiên chứ không thể trở thành căn cứ để xét tuyển thẳng được.

Ông Vũ Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao tỉnh cho biết: "Nhiều năm nay, một số VĐV của trung tâm hết tuổi thi đấu, có trình độ chuyên ngành cao đẳng, đại học về TDTT có nguyện vọng đi dạy học nhưng chưa ai được giải quyết theo nội dung của đề án. Việc tuyển một số VĐV vào làm huấn luyện viên đều xuất phát từ nhu cầu đào tạo, huấn luyện của trung tâm. Trung tâm tiến hành việc xét tuyển thẳng VĐV vào viên chức theo nội dung của đề án nhưng không thể thực hiện được. Vừa rồi, trung tâm đề nghị xét tuyển thẳng 2 VĐV là Trần Thị Len và Phạm Thị Hà, đây là những VĐV đã giành nhiều huy chương vàng tại giải vô địch quốc gia và SEA Games, nhưng khi xin chủ trương của các cơ quan chức năng thì không được vì chưa có quy định cụ thể".

VĐV đấu kiếm Trần Thị Len cho biết: "Với thành tích thi đấu đã giành được, nếu theo chế độ ưu đãi của đề án, em hoàn toàn đủ tiêu chuẩn để xét tuyển thẳng. Hiện nay, em đang làm hồ sơ xin vào Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao tỉnh vẫn phải thực hiện mọi thủ tục theo quy chế. Không biết trong khi xét tuyển em có nhận được ưu tiên gì không".

Thực hiện tốt chế độ chính sách cho các VĐV, sẽ trở thành đòn bẩy mạnh mẽ giúp VĐV và gia đình VĐV toàn tâm, toàn ý cho công tác luyện tập, thi đấu. Đồng thời, đây là nguồn động viên, thu hút ngày càng đông những VĐV trẻ tài năng đến với thể thao chuyên nghiệp. Thời gian tới, các ngành liên quan cần khẩn trương tham mưu cho tỉnh xây dựng, ban hành quy định thu hút và sử dụng nhân tài, trong đó có VĐV thể thao thành tích cao xuất sắc để làm căn cứ thực hiện. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần sớm cùng với các ngành liên quan xây dựng tiêu chí ưu đãi cụ thể đối với từng nhóm, bộ môn, VĐV cụ thể. Các ngành hữu quan cần nghiêm túc thực hiện đề án, đưa việc tuyển chọn, bố trí việc làm, ưu tiên học nghề đối với các VĐV vào kế hoạch hằng năm...

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Dậm chân tại chỗ"