Sau hơn một năm thực hiện kiểm soát tải trọng xe, tình trạng “cò mồi” dẫn xe quá tải né tránh kiểm tra tiếp tục là vấn đề phức tạp.
Mặc dù số lượng xe quá tải giảm nhưng thái độ, hình thức chống đối của lái xe, chủ hàng, "cò mồi" lại tinh vi, manh động và liều lĩnh hơn
So với trước đây, tình trạng lái xe, chủ xe chống đối, chây ỳ khi bị kiểm tra, xử lý lỗi chở hàng quá tải không còn diễn ra phổ biến nhưng số người này lại đang chống đối cơ quan chức năng bằng nhiều hình thức tinh vi và manh động hơn.
“Cò mồi” vẫn lộng hànhSau hơn một năm thực hiện kiểm soát tải trọng xe, tình trạng “cò mồi” dẫn xe quá tải né tránh kiểm tra tiếp tục là vấn đề gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh. Đêm 26-6, đi cùng một tổ công tác của trạm làm nhiệm vụ, chúng tôi thấy “cò mồi” bám theo lực lượng chức năng như hình với bóng. Xe công vụ tuần tra, kiểm soát trên tuyến quốc lộ 5 luôn bị một xe ô-tô 4 chỗ hiệu KIA màu trắng bám đuôi. Theo các thành viên trong tổ công tác thì họ biết khá rõ lái xe trên. Đối tượng này đã hành nghề dẫn xe quá tải trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng gần một năm nay. Thậm chí vợ của y cũng được huy động để tham gia công việc này. “Các cò mồi luôn theo sát chúng tôi để liên tục thông tin địa điểm, vị trí của lực lượng chức năng cho lái xe quá tải. Nếu lực lượng chức năng ở Tứ Kỳ thì họ sẽ báo cho lái xe ở Chí Linh, Kinh Môn hoạt động và ngược lại”, anh Nguyễn Mạnh Hùng, người lái xe công vụ cho biết.
Tỉnh lộ 388 hiện là một trong những tuyến đường vẫn nóng về xe quá tải. Ngoài việc có nhiều nhà máy, bến bãi, các lái xe quá tải chạy tuyến Hải Phòng-Hà Nội cũng thường xuyên đi qua để tránh trạm cân trên quốc lộ 5. Khoảng 23 giờ 30 ngày 26-6, nhận được tin báo xe chở xi-măng có dấu hiệu quá tải chuẩn bị xuất bến, anh Nguyễn Mạnh Hùng cùng các thành viên trong tổ lập tức di chuyển dọc quốc lộ 5 về hướng Kinh Môn. Khi đi đến khu vực trạm thu phí, xe đỗ lại bên đường để đón lõng xe quá tải đi từ tỉnh lộ 388 ra quốc lộ 5. “Nếu bây giờ mình đi xe vào tuyến thì sẽ bị lộ ngay. Dọc tuyến đường này có từ 6-7 “cò mồi” đứng thành các chốt khác nhau để nghe ngóng tình hình. Khi thấy lực lượng chức năng xuất hiện họ sẽ báo cho lái xe lẩn trốn ngay lập tức”, anh Hùng giải thích.
Được biết, trước đây lực lượng chức năng còn sử dụng xe cá nhân để phục vụ trinh sát, phát hiện xe quá tải. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể về vấn đề này và tiềm ẩn nguy hiểm nên cách làm trên hiện không được thực hiện nữa. Do yếu tố bí mật, bất ngờ không còn được duy trì nên nhất cử, nhất động của lực lượng chức năng đều bị đội ngũ “cò mồi” theo dõi, thông tin cho lái xe khiến việc xử lý xe quá tải trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Trước đây việc dẫn xe quá tải vượt trạm cân, né tránh kiểm tra chỉ là thỏa thuận miệng của lái xe và "cò", tiền công chỉ được trả khi xe vượt trạm thành công. Đến nay, quy tắc giữa các lái xe vi phạm và “cò mồi” đã chặt chẽ, chuyên nghiệp hơn. Nếu xe vi phạm bị lực lượng chức năng xử lý thì “cò mồi” cũng phải chịu một phần tiền phạt. Vì vậy, "cò" phải theo dõi sát hoạt động của lực lượng chức năng. Trong khi đó, do chưa có biện pháp, quy định xử lý những đối tượng này.
Chống đối quyết liệtTrong ca làm việc từ 22 giờ ngày 26-6 đến 6 giờ ngày 27-6, tổ công tác do đồng chí Phạm Đức Hùng làm tổ trưởng chỉ xử lý được 1 trường hợp xe quá tải nhưng cũng không dễ dàng gì. Nhận được tin báo xe đầu kéo chở bê tông 15C-038.39 có dấu hiệu chở hàng quá tải đang lưu thông từ tỉnh lộ 391 qua các đường Lê Thanh Nghị, Ngô Quyền (TP Hải Dương), tổ công tác phải huy động 2 xe công vụ để vây bắt. Khi bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe, lái xe Vũ Xuân Long của Công ty TNHH Thương mại Phúc Lợi (Hải Phòng) đã nhanh chóng xuất trình đầy đủ giấy tờ theo quy định. Ngoài ra, lái xe Long còn cung cấp cho lực lượng chức năng hóa đơn, phiếu cân để chứng minh mình chở đúng tải. Bằng kinh nghiêm thực tế, lực lượng chức năng nhận định xe chở hàng quá tải và yêu cầu Long đưa xe về trạm cân kiểm tra. Kết quả, xe đầu kéo 15C-038.39 chở quá tải 22,28 tấn (87,4%).
Theo lực lượng Trạm Kiểm soát tải trọng xe lưu động tỉnh, việc lái xe dùng chiêu trò, tiểu xảo để qua mặt lực lượng chức năng thường xuyên xảy ra nhưng vẫn còn khá nhẹ nhàng. Từ đầu năm đến nay, khi chế tài xử phạt hành vi chở hàng quá tải tăng cao, mức độ chống đối của các lái xe, chủ xe càng trở nên manh động hơn. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc có dấu hiệu chống người thi hành công vụ, nguy hiểm trực tiếp tính mạng của cán bộ, chiến sĩ.
Ông Vũ Đức Hạnh, Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát tải trọng xe lưu động tỉnh cho biết: Đến nay, Hải Dương tiếp tục là địa phương được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giao thông vận tải đánh giá làm tốt công tác kiểm soát tải trọng xe. Từ đầu năm đến nay, lực lượng Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh đã kiểm tra trên 7.000 trường hợp, phát hiện gần 700 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt trên 16 tỷ đồng. So với thời gian trước, tỷ lệ xe vi phạm đã giảm từ 20% xuống 10%.
“Cò mồi” vẫn xuất hiện cho thấy vẫn có xe quá tải lén lút hoạt động. Để nâng cao hiệu quả xử lý xe quá tải, các cơ quan chức năng của Trung ương và của tỉnh cần sớm có các quy định, biện pháp cụ thể để xử lý các đối tượng này. Bên cạnh đó, những vụ việc manh động, có dấu hiệu chống người thi hành công vụ cũng cần sớm được điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm để răn đe đối với những cá nhân, doanh nghiệp bất chấp pháp luật.
HOÀNG BIÊN