Dê được xem là “cây thuốc biết đi” dùng để tăng cường sinh lực, phòng, chống và chữa trị hiệu quả nhiều bệnh.
Dê có tên khoa học là Capra sp., thuộc họ sừng rỗng (Bovidae)
1.THỊT DÊ (Dương nhục):
Thịt dê là một thực phẩm ngon và bổ. Trong 100g thịt dê có 73,4g nước, 20,7g protid, 4,3g lipid, 1g chất chiết xuất, cung cấp được 125 calo. Ngoài ra, trong thịt dê còn có nhiều loại muối khoáng và các vitamin. Về giá trị dinh dưỡng, thịt dê không thua bất cứ loại thịt nào, kể cả những thứ thịt xem là bổ dưỡng nhất là thịt bê, thịt gà tơ, thịt hươu.
Vị ngọt, tính rất nóng, không độc, vào ba kinh: tỳ, vị và can. Tác dụng trợ dương, bổ tinh huyết, dùng chữa ho lao, gầy yếu, phụ nữ sau khi sinh gầy yếu, khí hư, cạn sữa, huyết hôi. Thịt dê tươi nấu chín cùng một số vị thuốc khác như xuyên khung, hoàng kỳ, đương quy, gừng, mỗi ngày dùng 40- 60g.
Lưu ý, thịt dê kỵ dùng đồ đun nấu bằng đồng. Thịt dê phản vị thuốc bán hạ và xương bồ. Thịt dê ăn với giấm tổn hại tim. Thịt dê ăn với đậu tương và cảo mạch sanh ra cố tật, là loại bệnh chữa trị lâu ngày. Thịt dê ăn với đậu nành, sinh ra chứng vàng da. Thịt dê ăn với trái mơ, sinh chứng đau bụng...
2. SỮA DÊ (Dương nhũ):
Vị ngọt, tính ấm, bổ thận, sinh khí, lợi tiểu, nhuận tràng. Tác dụng ôn nhuận bổ hư, bồi dưỡng cơ thể. Hương vị hấp dẫn, giá trị dinh dưỡng cao hơn sữa bò, rất dễ hấp thu và tiêu hóa. Dùng uống, chữa hư lao, gầy yếu, nhuận táo, nôn ọe, lỡ miệng.
Khi sâu bọ vào tai, nhỏ sữa dê vô khiến chúng chịu không nổi phải bò ra và bị tiêu diệt.
3. XƯƠNG DÊ (Dương cốt):
Vị ngọt, tính ấm. Tác dụng bổ thận, cường gân cốt. Dùng chữa hư lao hư lao gầy yếu, lưng gối yếu mỏi, bạch trọc, lỵ lâu ngày, tiêu chảy kéo dài. Dùng trong thì đốt tồn tính làm hoàn, tán. Dùng ngoài thì nung tồn tính, làm bột xoa. Người ta thường dùng xương dê hoặc cả thịt lẫn xương để nấu thành cao dê toàn tính, chữa chứng gầy còm, thiếu máu, nhức mỏi gân cốt, đau lưng, đau bụng.
Đốt xương dê lấy than chà răng mỗi ngày thì củng cố bộ thậnvà làm trắng răng.
4. DA DÊ (Dương bì):
Da dê bỏ lông, đem nấu canh hoặc làm gỏi ăn có tác dụng chủ trị phòng độc.
5. GAN DÊ (Dương can):
Vị ngọt đắng, tính mát. Tác dụng tư bổ cường tráng, minh mục (sáng mắt). Chữa can phong hư nhiệt, mắt mờ đỏ, sau khi khỏi sốt mờ mắt. Mỗi ngày ăn 30- 60g, dùng dưới dạng luộc hoặc nấu cháo, dùng riêng hay phối hợp với một số vị thuốc khác.
6. MẬT DÊ (Dương đởm):
Vị đắng, tính hàn.Tác dụng thanh nhiệt giải độc, minh mục. Dùng chữa phong nhiệt đau mắt đỏ, lao phổi thổ huyết, họng sưng đỏ.
Dùng ngoài bôi, xoa bóp để làm tan những vết bầm, tụ máu do ngã, bị thương.
Ngoài ra, một số bộ phận khác của dê cũng được sử dụng làm thuốc:
7. MỠ DÊ: Vị ngọt, tính ấm. Tác dụng nhuận da, sát trùng. Dùng ngoài làm tươi nhuận làn da, có tác dụng tốt khi bôi xoa vào vết ghẻ lở, hác lào, mụn nhọt, chàm (eczema) vì có vitamin F ngăn chống hiệu quả những bệnh ngoài da.
8. DẠ DÀY DÊ (Dương đổ): Vị ngọt, tính ấm. Tác dụng bổ hư, kiện tỳ vị. Dùng chữa hư lao gầy yếu, tiêu hóa kém, ra mồ hôi trộm, đi đái nhiều. Ngày ăn 20- 30g, ninh nhừ hoặc nấu cháo.
9. TIM DÊ: Vị ngọt, tính ấm. Tác dụng giải uất, bổ tâm, an thần. Là vị thuốc bổ tim, chữa chứng tâm khí uất kết (lồng ngực cảm thấy đầy khí, ngực như bị đè nặng), chữa người hay sợ hãi. Ăn luộc hoặc hấp cách thủy rồi ăn.
10. PHỔI DÊ: Tác dụng bổ phổi, trị ho, thông phế khí và giải độc. Phổi dê thái nhỏ nấu với đậu đen, ăn vài lần sẽ chữa khỏi bệnh đái dầm ở trẻ em.
11. ÓC, TỦY DÊ: Nấu rồi ăn, uống cùng với rượu sẽ có tác dụng bổ máu, mượt tóc và mịn da.
12. THẬN DÊ (Cật dê): Trị các chứng hư tổn, mắt mờ, tai ngễnh ngãng, hay bài tiết (túa mồ hôi, tiêu chảy…).
13. TINH HOÀN DÊ (Ngọc dương): Chữa suy thận liệt dương. Ngày dùng 25- 30g, ngâm rượu uống hoặc hầm các vị thuốc khác để ăn.
14. LÒNG DÊ: Thêm giấm vào rồi hâm nóng, dùng nó để bó vào chỗ đau gân cốt.
15. THAI DÊ: Tác dụng bổ thận. Làm thuốc bằng cách thái mỏng, sấy thật khô rồi tán thành bột mịn.
16. DA DÊ: Da cạo sạch lông, rồi nấu canh, hoặc làm nem, làm gỏi để ăn, có tác dụng chủ trị phòng độc.
17. RÂU DÊ: Đốt đắp, trị ghẻ nhọt.
18. SỪNG DÊ: Dưới dạng cao, dùng chữa thong manh, làm sáng mắt và đặc biệt là trị bệnh thiên đầu thống rất công hiệu. Dưới dạng bột tán hoặc nước mài, chữa chứng đổ mồ hôi trộm, tê thấp, sốt rét, đau bụng và phụ nữ sau khi sẩy thai bị xuất huyết quá nhiều, bụng đau quặn, mặt xanh nhợt.
19. ĐUÔI DÊ: Là vị thuốc bổ thận và làm sáng mắt, dùng dưới dạng ninh nhừ hoặc nấu cao.
20. BONG BÓNG DÊ: Dùng chữa bệnh đái rắc. Lấy bong bóng rửa sạch rồi đổ nước sôi để nguội vào, thắt lại, đem nướng trên lửa than cho vàng. Ăn bong bóng đã nướng chín và uống nước trong đó, liền khoảng 3 ngày (mỗi ngày một cái) sẽ thấy hiệu nghiệm.
21. PHÂN DÊ: Đặc biệt phân dê có tác dụng y dược. Phân dê đem nấu với rượu, uống chữa nôn mửa, ợ chua. Hoặc đem dung dịch trên rửa chỗ chốc đầu, rồi lấy phân dê khác đốt cháy cùng bồ hóng bếp tán nhỏ, hòa vào dầu mè (vừng) hay mỡ lợn để bôi xoa…đó là thuốc chữa chốc đầu hiệu nghiệm.
LƯƠNG THỊ HỒNG ĐÀO