“… Chị bảo cháu cần cố gắng học môn văn hơn nhé. Cháu học môn văn kém lắm, cứ học kiểu này thì cháu khó mà thi đỗ…”
Đứng ngoài cửa nghe lén cuộc điện thoại của mẹ với cô giáo dạy văn mà tôi run lên bần bật. Tôi nghĩ thể nào tí nữa mẹ sẽ lại mắng tôi một trận vì cái tội chểnh mảng với môn văn. Tôi chuẩn bị tinh thần, lấy hết can đảm để đối đầu với một cơn bão sắp đổ bộ vào nhà mình. Giữa thời tiết se lạnh mà mồ hôi trên trán tôi túa ra bởi không biết đây là cuộc điện thoại lần thứ bao nhiêu mà cô giáo chủ nhiệm gọi về cho mẹ tôi vì tình hình học môn văn của tôi ngày càng thậm tệ.
“Cháu học văn hơi kém”, từ năm học tiểu học đến giờ cô giáo dạy văn năm nào cũng nhận xét, thông báo với mẹ tôi như vậy. Để thuộc một bài thơ tôi phải mất năm buổi sáng dậy sớm, ngồi học mà như… tụng kinh. Để viết được một bài tập làm văn khi kiểm tra cuối học kỳ, tôi phải chép từ văn mẫu trước và cũng học thuộc lòng. Cô giáo dạy văn có giao bài tập thì tôi chỉ làm chống chế cho qua. Không hiểu sao, chỉ cần mở quyển sách ngữ văn ra là tôi lại ngáp ngắn ngáp dài, đứng lên ngồi xuống vì học mãi không vào. Nhiều lần vào giờ văn trên lớp, tôi ngủ gật ngon lành, bị cô giáo gọi nên giật nảy cả mình. May mà tôi ứng phó kịp thời nên không bị ghi vào sổ đầu bài. Lần thì tôi bảo “em bị đau bụng”, khi thì tôi nhăn nhó: “Em nhức đầu quá thưa cô”... Cả lớp cũng ra sức bao che cho tôi: “Đúng rồi cô ạ, để em đưa bạn ấy xuống phòng y tế”. Cô giáo dạy văn có lẽ cũng đoán được “bệnh” của tôi nên chỉ biết lắc đầu, thở dài ngán ngẩm.
Nhiều lúc, tôi cũng muốn mình có một tí tình cảm với môn văn nhưng xem ra điều đó khó hơn cả việc hái trăng trên trời. Những năm trước, mẹ tôi không thúc ép nhiều mà để tôi “phát triển tự nhiên” nên tôi chỉ học giỏi mấy môn toán, lý, hóa. Nhưng bây giờ, mẹ tôi không thể chấp nhận việc tôi cứ học kém mãi môn văn bởi đó là một trong ba môn thi bắt buộc trong kỳ thi vào THPT. Mẹ tôi tìm đủ mọi cách để giúp tôi tiến bộ ở môn học “ác mộng” này. Ban đầu mẹ mua sách tham khảo, sách văn mẫu cho tôi đọc thêm. Sau đó mẹ gửi tôi đến “lò luyện” của một cô giáo dạy văn có tiếng trong huyện. Tôi ra vẻ ngoan ngoãn nghe lời mẹ. Mỗi tối, mẹ giả vờ bê cốc sữa nóng lên cho tôi nhưng thực ra là để kiểm tra xem tôi đang học môn gì. Cứ nghe tiếng chân bịch bịch của mẹ ngoài cầu thang là tôi bày quyển sách văn mẫu ra trước mặt. Mẹ mừng lắm, mẹ nghĩ tôi đã bắt đầu thích môn văn rồi đây. Những buổi học thêm ở lò luyện thi, tôi vẫn đi đều đặn nhưng nghe cô giảng mà như vịt nghe sấm. Văn gì mà dài lê thê, chép mỏi cả tay, làm tôi đã ghét môn văn lại càng chán nản hơn.
Thi thử lần thứ nhất, tôi nhận được điểm văn dưới trung bình. Mẹ thất vọng ê chề nhưng không hề quát mắng tôi nửa lời. Mẹ quyết định trở thành “cô giáo dạy văn” của tôi trong khi mẹ dạy môn lịch sử. Mẹ giáo huấn cho tôi một hồi về tầm quan trọng của môn văn, nào là: học văn là học làm người, học văn cho tâm hồn phong phú, học văn để biết giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống, và trên hết là để thi đỗ… Rồi mẹ lên mạng, tra Google, tìm kiếm các dạng đề thi môn ngữ văn và cùng tôi thử sức. Mỗi tối mẹ dành hai tiếng đồng hồ ngồi cạnh tôi để học văn. Mẹ cùng tôi học thuộc tất cả các bài thơ, tóm tắt các tác phẩm văn xuôi trong chương trình thi nhưng không học kiểu “tụng kinh” thuộc trước quên sau mà mẹ yêu cầu tôi ghi lại ra giấy cho mẹ kiểm tra. Tôi gồng mình lên để học, vậy mà sau hai tháng tôi cũng thuộc hết. Sau đó mẹ hỏi tôi về nội dung và nghệ thuật của từng tác phẩm, từng đoạn trích. Hễ chỗ nào tôi chưa nắm vững là mẹ bắt học lại. Thi thoảng mẹ cho tôi đóng vai nhà hùng biện để trình bày suy nghĩ của mình về tình bạn, tình thầy trò, tình mẫu tử, tình yêu thương giữa con người với con người, về những đức tính trung thực, dũng cảm, tự tin, khiêm tốn… Dần dà tôi nhận ra rằng, môn văn cũng không có gì kinh khủng lắm.
Thi thử lần thứ hai tôi đã đạt điểm trên trung bình và đến khi thi thật thì tôi đạt điểm giỏi môn ngữ văn. Mẹ thở phào nhẹ nhõm.
Vừa vào lớp 10 được mấy tuần, tôi đã được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi văn. Tất cả là nhờ công lao của mẹ - “cô giáo dạy văn” của tôi. Nhờ mẹ động viên, khích lệ, vừa là cô giáo, vừa là người bạn tận tình mà tôi có thể đạt được thành công như ngày hôm nay.
NGUYỄN PHƯƠNG THẢO(Lớp 10 E, Trường THPT Nam Sách)