Thoáng đọc, bài thơ man mác buồn. Nhưng đọc kỹ lại nhận ra đằng sau nỗi buồn là niềm lạc quan, tin yêu cuộc sống, dẫu cuộc sống còn chất chồng vất vả, cơ hàn. Không thế, làm sao những con người ly hương đi làm ăn “tối đâu là nhà, ngả đâu là giường” chẳng những vẫn sống, mà còn “sống khỏe” là khác. Và không những “sống khỏe” mà còn luôn mang trong lòng tình yêu quê hương, bản quán. Thiếu gì thì thiếu không thể thiếu tình người, tình quê, chỉ cần nghe giọng nói cũng đủ nhận ra người “làng mình” rồi: "Rượu quê tha thủi giữa đàng/ Kìa như giọng nói người làng đấy ư?/ Thân sơ xin cứ…vô tư”.
Thật nhân bản và rất đời. Thơ lột tả tận cùng tâm trạng người trong cuộc, với một sự đồng cảm, đồng điệu tưởng như không còn phân biệt đâu là nỗi lòng, thân phận người làm thuê, đâu là tâm trạng người viết sẻ chia, giãi bày như mong tìm sự cảm thông, nhân ái, chở che của người đọc, rộng ra là của cộng đồng, với những người nông dân đang phải tạm rời xa ruộng đồng đi kiếm kế sinh nhai. Nhà thơ đã làm cuộc phân thân hai trong một ngay trong từng câu thơ một cách tự nhiên như vốn cuộc sống người làm thuê đang trôi đi theo ngày tháng. Sau câu mở đầu nói rõ thời điểm “Nông nhàn” người nông dân rời quê “ra phố làm thêm”, người đọc thấy ngay cảnh vất vả: “Tinh mơ đã dậy, nửa đêm chưa về”. Bởi người nông dân ngoài ruộng nương không còn nghề nào nữa, khác với người có nghề: “Giỏi giang thợ mộc, thợ nề/ Tôi đây vụng dại ai thuê thì làm”. Nhớ đến câu thành ngữ: “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay”, mới thấy cảm thông với người nông dân sau khi ruộng đất bị thu hồi cho dự án, bỗng trở thành kẻ lang bạt kỳ hồ, tối ngày vắt kiệt cơ bắp kiếm kế sinh nhai. Thế nhưng đừng nghĩ con người ấy dễ quỵ lụy, luồn cúi như một kẻ nghèo hèn mong có đồng tiền bát gạo. Không đâu, họ luôn biết tự trọng, dẫu thừa nhận mình “vụng dại”, thì vẫn ý thức được mình cũng là Con Người như bao Con Người khác, vì thế luôn ngẩng đầu dõng dạc và dứt khoát: “Tôi đây vụng dại ai thuê thì làm”. Chỉ với hai tiếng “tôi đây”, nhà thơ đã tạo được sự thiện cảm, đồng cảm, xóa nhòa ranh giới giữa người làm thuê và người làm thơ, hòa đồng hai trong một rất tự nhiên như vốn đời sống cộng đồng là thế: “Ngẫm trong phúc họa có trừ một ai”, huống hồ đây chưa hẳn là phúc và cũng không hẳn đã là họa. Cũng với hai tiếng “tôi đây”, người đọc còn thấy toát lên nhân cách tự trọng, tự tin của người làm thuê, dẫu làm lụng vất vả, đồng công rẻ mạt, nhưng cũng không để lương tâm hoen ố, tư thế úi xùi. Thế nên, từ khi rời làng ra phố làm thuê đã không nề hà bất cứ việc gì: "Khi khuân vác, lúc chạy bàn/ Hòn Gai, Cẩm Phả đào than đã từng/ Mấy năm đốn củi trên rừng/ Đọt măng thì đắng, củ gừng thì cay”.
Nhưng dẫu đắng cay đến mấy, cực nhọc bao nhiêu: “Sông sâu mấy bận, đò đầy mấy phen”, thì “tôi đây” trước sau vẫn là anh nông dân chân chỉ hạt bột, bởi trong cuộc bon chen thời kinh tế thị trường, thì kể cả người làm thuê và người thuê chắc gì ai đã hơn ai, xét về mặt nhân cách. Thế nên, dẫu: “Chợ người vãn cuộc đỏ đen/ Xòe tay tính sổ kẻ hèn người sang”, thì vẫn không thể quên cái thứ từng bao lâu gắn bó: “Rượu quê tha thủi giữa đàng/ Kìa như giọng nói người làng đấy ư?”. Đến đây người đọc càng thêm trân trọng, mến yêu người nông dân rời làng “ra phố làm thêm”, mà nhìn bề ngoài ai đó dễ nghĩ họ là người tầm thường và có phần nhếch nhác, nhưng đằng sau cái bề ngoài ấy là nhân cách cao thượng và nghị lực phi thường bất chấp khó khăn, vất vả vẫn bươn trải sống đúng với nghĩa làm người, làm một thành viên trong xã hội. Bởi họ hiểu, sống ở đời đương nhiên chấp nhận sự luân hồi, “thiện căn tự ở người ta”, nên dẫu thế chứ nữa vẫn cứ vô tư làm việc, vô tư sống, chớ suy bì, tỵ nạnh, càng không nên đổ vấy cho ai về sự thua thiệt, vất vả của mình. Khổ kết vừa rất đời, vừa đậm tính triết luận: "Thân sơ xin cứ…vô tư/ Ngẫm trong phúc họa có trừ một ai/ Đã không sức rộng vai dài/ Tôi đi bán cái bất tài, ai mua".
Thơ giản dị, dân dã và rất đời, thấm đậm sự cảm thông với đồng loại, có sức truyền cảm, gợi mở sự đồng tình, sẻ chia ở người đọc. Đọc những câu như: “Mấy năm đốn củi trên rừng/ Đọt măng thì đắng, củ gừng thì cay” lại man mác nhớ ca dao xưa. Nhà thơ vận dụng khá nhuyễn ca dao vào thơ lục bát hiện đại, làm cho câu thơ đời hơn, gần với cuộc sống hơn và cũng dễ tạo sự đồng điệu, đồng tình ở người đọc.
CAO NĂM
Chợ người Nông nhàn ra phố làm thêm HẢI ĐƯỜNG |