Trong khi các xã lân cận được sử dụng nước sạch với giá hợp lý thì ở Bình Lãng, người dân đang phải chịu với mức giá "cắt cổ"...
Để có nước sạch, gia đình anh Nguyễn Khắc Tủ phải bỏ ra tổng cộng gần 11 triệu đồng
Nhà máy nước sạch Hưng Đạo (Tứ Kỳ) được Nhà nước đầu tư xây dựng theo Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để phục vụ người dân xã Hưng Đạo và một số xã lân cận. Nhưng đối với những người nghèo, dường như nước sạch là thứ rất xa vời.
Nước sạch chỉ cho... nhà giàuBình Lãng có hơn 1.400 hộ dân với khoảng 5.000 nhân khẩu, sinh sống ở 2 thôn Thượng Hải và Đông Phong. Theo UBND xã Bình Lãng, nước sạch được đưa về xã từ đầu năm 2007 nhưng đến nay mới có khoảng 60% số hộ sử dụng. Nguyên nhân không phải do người dân không có nhu cầu mà là do chi phí lắp đặt ban đầu quá cao. Mức giá này do ông Khương Viết Quân (sinh năm 1962, ở thôn Thượng Hải), "cai" nước tự đặt ra cho người dân theo hình thức "thỏa thuận". Ông Quân là người đầu tư hệ thống đường ống mua nước từ Nhà máy nước sạch Hưng Đạo dẫn về xã Bình Lãng, sau đó bán lại cho người dân.
Gia đình anh Nguyễn Tất Toản (thôn Thượng Hải) là một trong những hộ vừa ký hợp đồng lắp đặt ngày 2-4-2013 với giá "cắt cổ". Anh Toản đã phải bỏ ra 10 triệu đồng (gồm hợp đồng lắp mới và 1 công-tơ nước) mà theo cách gọi của ông Quân là "tiền gốc". Anh Toản cho biết: "Gia đình tôi có 4 nhân khẩu, nhà lại làm nghề phụ nên nhu cầu sử dụng nước sạch rất bức thiết. Qua tìm hiểu tôi được biết, giá lắp đặt ở xã Quang Phục chỉ là 3,5 triệu đồng/hộ, xã Hưng Đạo chỉ có 2 triệu đồng/hộ... Tôi đã chờ giá nước giảm. Song càng chờ, giá càng tăng. Cuối năm 2011, giá là 8 triệu đồng, nhưng đến giữa năm 2012 tăng lên 9 triệu rồi 9,5 triệu đồng và từ tháng 4-2013 đến nay, được đẩy lên 10 triệu đồng/hộ".
Kinh tế gia đình khó khăn, vợ làm nông nghiệp, bản thân phụ xây dựng với thu nhập 2 triệu đồng/tháng trong khi đang nuôi 2 con nhỏ, anh Nguyễn Tất Vàn (thôn Thượng Hải) bức xúc: "Họ độc quyền nên chèn ép dân quá. Với mức giá như hiện nay thì chỉ những nhà giàu mới có điều kiện lắp nước sạch, còn như gia đình tôi có lẽ phải rất lâu nữa mới có đủ tiền. Bởi vậy, tôi vẫn phải sử dụng nước mưa để ăn, uống, còn tắm, giặt, sinh hoạt phải dùng nước giếng dù biết những nguồn nước này không bảo đảm chất lượng".
Nhà máy nước Hưng Đạo đang cung cấp nước sạch cho 5 xã: Hưng Đạo, Tái Sơn, Ngọc Kỳ, Quang Phục và Bình Lãng
Chính quyền buông lỏng quản lýLàm việc với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Cùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Lãng cho biết có nghe phản ánh của người dân nhưng việc mua bán nước hoàn toàn là "thuận mua vừa bán" giữa ông Quân và người dân. Giữa chính quyền và ông Quân không có ràng buộc pháp lý nên xã không có quyền can thiệp. Khi chúng tôi đưa ra bản hợp đồng giữa ông Nghẹ và ông Quân ký kết ngày 11-1-2007 có chữ ký của Chủ tịch UBND hai xã Hưng Đạo và Bình Lãng thì ông Cùng nói lần đầu tiên nhìn thấy bản hợp đồng này và đổ lỗi cho người tiền nhiệm là ông Nguyễn Khắc Tuấn.
Làm việc với phóng viên, ông Tuấn khẳng định, bản hợp đồng trên xuất phát từ ý nguyện của người dân trong xã, sau đó được bàn bạc kỹ trước khi báo cáo Đảng ủy cho ý kiến chỉ đạo thực hiện. Thời điểm đó, ông Cùng làm Bí thư Đảng ủy. Ông Tuấn cho rằng ông Cùng nói không biết bản hợp đồng này là thoái thác trách nhiệm. Ông Tuấn còn bao biện là bây giờ người dân mới bức xúc, còn lúc ông đương chức đến khi nghỉ hưu vào năm 2010, không nghe người dân phản ánh về vấn đề này.
Theo rất nhiều người dân, ngay từ những ngày đầu có nước sạch, giá nước, giá dịch vụ tại Bình Lãng đã cao hơn một số xã lân cận. Người dân trong xã đã nhiều lần kiến nghị với huyện, xã tại các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng chỉ được "ghi nhận" rồi rơi vào quên lãng. Một trong những người bức xúc nhất thời điểm đó cho đến tận bây giờ chính là vợ chồng, con cái ông Nguyễn Đình Xược, anh rể ông Tuấn.
SỸ THẮNG