| Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc (áo trắng) bên cạnh Bác Hồ trong một chuyến thăm bà con nông dân tỉnh Vĩnh Phúc. Nguồn internet.
|
Nhưng với “Bí thư tỉnh ủy”, lần đầu tiên VFC thực hiện một bộ phim chính luận dựa trên cuộc đời của một nhân vật lịch sử. Phim lấy nguyên mẫu là ông Kim Ngọc, Bí thư tỉnh ủy Tỉnh Vĩnh Phúc (rồi Vĩnh Phú sau khi sát nhập 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) trong suốt hơn 20 năm, từ 1958-1978.
Trong giai đoạn này, cái tên Kim Ngọc đã trở thành một hiện tượng gây chấn động dư luận với chính sách khoán hộ cho nông dân.
Thời kỳ ấy, chủ trương làm theo lối tập thể dẫn đến cơ chế quan liêu bao cấp, nông dân đi làm đối phó, năng suất lao động thấp, và đời sống sa sút. Là lãnh đạo gần dân, ông Kim Ngọc sớm nhận thấy điều ấy và đã áp dụng phương pháp mới là giao đất cho từng hộ nông dân theo phương thức “khoán hộ”.
| | Ông Kim Ngọc tiếp xúc với nhiều lãnh đạo Đảng và nhà nước cao cấp nhất như Thủ tướng Phạm Văn Đồng (ảnh trên) và TBT Lê Duẩn (ảnh dưới). Trong phim, hình ảnh lãnh đạo Đảng được thể hiện qua nhân vật TBT Trung Chính. Nguồn internet
|
Phương thức cải tiến lao động mạnh dạn này, với việc người nông dân tự làm chủ trên mảnh đất của mình đã mang tới một sự thay da đổi thịt. Năng xuất lao động đựơc nâng cao đến ngay những người dân cũng ngỡ ngàng.
Tuy nhiên, vào thời kỳ mới xây dựng xã hội chủ nghĩa, còn ít nhiều ấu trĩ, bảo thủ trong tư tưởng, việc làm “cách mạng” của ông Kim Ngọc lại không được đánh giá đúng mức. Ông bị phê phán, phải làm kiểm điểm còn “khoán hộ” bị cấm ngặt.
Dù không được công nhận, nhưng phương thức sản xuất này vẫn được nhiều địa phương thực hiện dưới hình thức “khoán chui”, trong đó có nhiều xã ở ngay tại tỉnh Vĩnh Phúc. Và “hiện tượng Kim Ngọc” thậm chí được lưu truyền trong đời sống nhân dân như một huyền thoại.
5 năm cho một bộ phim truyền hình
Nếu nói một bộ phim mất 5 năm kể từ khi ấp ủ kịch bản đến lúc hoàn thành, người ta thường nghĩ ngay đến phim truyện nhựa. Vì thông thường, chỉ thể loại này mới đòi hỏi người ta khắt khe và cẩn trọng đến mức đó. Mặc dù, ở điện ảnh Việt, số tác phẩm phim truyện mất nhiều thời gian như vậy cũng chỉ đếm chưa đầy một bàn tay.
Thế nên, việc một bộ phim truyền hình mất ngần ấy thời gian cũng phần nào cho thấy sự tâm huyết của những người thực hiện.
Ý tưởng làm bộ phim khởi đầu từ nhà văn, nhà biên kịch Thùy Linh – Phó Giám đốc Hãng phim truyền hình Việt Nam VFC. Vốn được nghe nhiều về sự kiện và con người Kim Ngọc, chị đã ấp ủ ý định làm một bộ phim dài tập về cuộc đời nhân vật lịch sử này từ lâu. Tuy nhiên, “càng tìm hiểu về cuộc đời bác Kim Ngọc, tôi tự thấy đề tài và nhân vật vượt tầm khả năng của mình. Nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện được bộ phim về ông và xác định tinh thần sẽ tìm người viết thay mình” – chị chia sẻ.
| Diễn viên Lê Dũng Nhi trong vai "cha đẻ khoán hộ" Kim Ngọc. Nguồn internet.
|
|
Và nhà văn quân đội Vân Thảo, người cộng tác quen thuộc với VFC qua nhiều kịch bản về nông thôn được nhà biên kịch Thùy Linh “gửi gắm” đề tài mà chị vô cùng tâm huyết. Một công văn của Hãng gửi lên tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhờ giúp đỡ tạo điều kiện về việc tìm hiểu tư liệu, tiếp xúc nhân chứng…
Trong thời gian 3 tháng “nằm vùng” tại Vĩnh Phúc, ông được tỉnh tạo điều kiện "ngâm cứu" những văn bản, giấy tờ lưu giữ trong trong phòng lịch sử 2 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, đồng thời dành nhiều thời gian đi thực tế xuống các xã, gặp những người còn sống đã trải qua thời kỳ này… Thêm 7-8 tháng cho việc viết kịch bản, tính ra hành trình để có câu chuyện về “bí thư tỉnh ủy” là gần 1 năm.
Công đoạn quay phim cũng vô cùng vất vả, biên kịch Thùy Linh tâm sự: “Nếu không có anh Quốc Trọng thì tôi không dám tổ chức sản xuất phim này, vì tin là kịch bản này đưa cho đạo diễn nào cũng bị lắc đầu”.
Làm phim về một nhân vật có nguyên mẫu là một “anh hùng thời đại”, lại gắn với một giai đoạn lịch sử nên không hề dễ dàng. Riêng việc tái hiện lại bối cảnh cách đây nửa thế kỷ trong khi mọi thứ giờ thay đổi hoàn toàn là bao khó khăn. Nhiều khi thời gian quay phim bị gián đoạn cả tuần chỉ vì chờ làm bối cảnh, kiếm đạo cụ. Đạo diễn Quốc Trọng và tổ làm phim gần như “cắm chốt” cả năm trời tại Vĩnh Yên…
Phim dài 50 tập và sẽ xác lập kỷ lục phim dài tập nhất thuộc thể loại phim chính luận của VFC. Hiện tại, đoàn phim vẫn đang miệt mài trong những cảnh quay cuối cùng ở Vĩnh Phúc. Theo kế hoạch, phim sẽ lên sóng giờ Vàng trên VTV3 vào tháng 6-2010.
(Theo VnMedia)
|