Việc xử lý thiếu kiên quyết dẫn đến tình trạng cứ dẹp trước thì họp sau...
Chợ họp tự phát ở thôn Cậy (xã Long Xuyên, Bình Giang) buộc học sinh phải đi bộ xuống lòng đường Ảnh: AL
Tình trạng người dân bày bán hàng hóa, họp chợ trên đường đang diễn ra khá phổ biến, dẫn đến mất an toàn giao thông, nhưng việc giải tỏa, xử lý của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa hiệu quả.
Thờ ơ với an toànMặc dù chợ Lỗ Sơn, thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn) nằm ở ngay bên tỉnh lộ 388 nhưng người dân không vào chợ mà thường xuyên tập trung mua bán ngay tại ngã tư, cách chợ vài chục mét. Khoảng từ 15 giờ đến 19 giờ hằng ngày, giao thông tại đây rất lộn xộn, hay xảy ra ùn tắc. Đoạn đường này thường xuyên có xe tải chở vật liệu đi qua nên rất nguy hiểm. Anh Nguyễn Văn Thắng ở khu 2 (thị trấn Phú Thứ) cho biết: “Ở đây có 4 trường học nên mật độ giao thông lớn, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm buổi chiều. Dù chưa xảy ra tai nạn chết người nhưng giao thông phức tạp nên cứ vài ngày là xảy ra va chạm. Nhà tôi cách trường học của các con chỉ hơn 200 m nhưng ngày nào cũng phải đón con cho an toàn”.
Đoạn qua thị tứ Lê Lợi (Gia Lộc) người dân cũng thường xuyên họp chợ cạnh tỉnh lộ 393. Vào buổi chiều, nhiều sạp hàng đặt ngay dưới lòng đường. Trong khi những người mua, người bán thờ ơ với an toàn của chính mình thì người đi qua đây gặp rất nhiều phiền phức. Anh Bùi Tuấn Nam ở xã Lam Sơn (Thanh Miện) bức xúc nói: “Mỗi lần đi qua đây tôi đều phải giảm tốc độ vì người mua, bán sang đường rất lộn xộn. Mình không chú ý mà đi ẩu là giật mình, ngã như chơi”.
Tình trạng bày bán hàng hai bên tỉnh lộ 394 đoạn qua thôn Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang) đã tồn tại nhiều năm nay cũng vẫn chưa được giải tỏa. Buổi chiều, người bán ngồi hai bên đường kéo dài cả trăm mét. Nhiều công nhân đi làm về qua đây dừng xe ngay lòng đường mua hàng khiến giao thông thường xuyên bị ùn ứ. Mặc dù các cơ quan chức năng của huyện, chính quyền xã đã nhiều lần nhắc nhở, chấn chỉnh nhưng tình trạng trên vẫn đâu đóng đấy. Thiếu tá Lê Hồng Đới, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự - cơ động Công an huyện Bình Giang cho biết: “Người dân bày bán hàng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè khiến đường đã hẹp lại hẹp hơn. Lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, nhắc nhở nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại tái diễn". Anh Vũ Thành Hùng, lái xe tuyến xe buýt 07 (TP Hải Dương - Ninh Giang) cho biết: “Do người dân tràn ra đường buôn bán nên có lúc tắc đến nửa tiếng. Ngoài khu vực thôn Cậy, còn một số điểm người dân cũng bán hàng trên đường như chợ Gọc (xã Kiến Quốc), chợ Bùi (xã Hoàng Hanh, cùng huyện Ninh Giang), ảnh hưởng nhiều đến giờ chạy xe và công việc của hành khách”.
Cần xử lý kiên quyếtThời gian qua, huyện Thanh Hà đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, ban an toàn giao thông (ATGT) cấp xã trong huyện bảo đảm đường thông, hè thoáng. Trong đó chú trọng giữ gìn trật tự ATGT tại một số khu vực phức tạp về tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường bày bán hàng hóa, gây cản trở giao thông khu vực chợ Nứa (Thanh Hải), chợ Cháy (Cẩm Chế), chợ Hệ (Thanh Bính), cổng Trường THPT Hà Đông và khu vực thị trấn Thanh Hà. Thiếu tá Vũ Văn Khải, Phó Trưởng Công an huyện Thanh Hà cho biết: “Trước Tết Nguyên đán, liên ngành của huyện đã vận động, tuyên truyền các hộ kinh doanh tự tháo dỡ hàng quán, biển quảng cáo vi phạm. Đối với những hộ cố tình không chấp hành, lực lượng chức năng đã huy động máy móc, phương tiện tổ chức giải tỏa. Đến nay, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã cơ bản được xử lý”.
Tuy nhiên, không nhiều địa phương quyết liệt trong xử lý các vi phạm này. Tại các quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh hiện cũng có nhiều vị trí thường xuyên xảy ra tình trạng người dân bày bán hàng hóa trên đường. Điển hình như khu vực chợ Bóng (xã Quang Minh, Gia Lộc), ngã ba Phủ (xã Thái Học, Bình Giang), quốc lộ 38B đoạn qua xã Toàn Thắng (Gia Lộc), quốc lộ 37 đoạn qua xã Tân Dân (Chí Linh), xã Tân Hương (Ninh Giang), ngã ba Tiền Trung (TP Hải Dương), thị trấn Gia Lộc...
Theo ông Vũ Đức Hạnh, Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, việc người dân chiếm dụng lòng đường, vỉa hè họp chợ, làm nơi buôn bán ảnh hưởng lớn tới việc đi lại của người dân và phương tiện tham gia giao thông. Nguy hiểm hơn, tình trạng trên luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn giữa người và phương tiện lưu thông với người mua, bán hàng. Việc quản lý và bảo vệ hành lang ATGT thuộc trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã. Hằng năm, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố giải tỏa, chấn chỉnh tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán. Tuy nhiên, việc quản lý chống tái lấn chiếm, nhất là tại các khu vực đông dân cư, các ngã ba, ngã tư vẫn chưa hiệu quả. Trách nhiệm này trước hết thuộc UBND cấp xã đã không có những biện pháp quản lý, nhắc nhở, xử lý quyết liệt. "Thực hiện kế hoạch Năm ATGT 2016, Văn phòng Ban ATGT tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho Ban ATGT tỉnh tăng cường chỉ đạo giải tỏa hàng lang ATGT, chấn chỉnh tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè; đồng thời tiếp tục kiểm tra và có biện pháp bảo đảm ATGT tại nơi xảy ra các vụ TNGT dẫn đến chết người, những nơi người dân chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh", ông Vũ Đức Hạnh cho biết thêm.
HOÀNG BIÊN