Chương trình hành động mà người cán bộ tự đề ra khi đảm nhận một vị trí công tác nào đó. Nó giống như một "bản cam kết", một "lời hứa" khi thực hiện nhiệm vụ.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Nghị quyết này đang nhận được sự quan tâm lớn của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tôi rất đồng tình, tâm đắc với một nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện nghị quyết, đó là: "Hằng năm hoặc khi chuẩn bị đề bạt, luân chuyển, điều động công tác đối với cán bộ, tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại tổ chức và cán bộ, đảng viên là: Chương trình hành động (CTHĐ) của tập thể và cá nhân; kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; kết quả thực hiện cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; tự phê bình và phê bình; sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý; hiệu quả đấu tranh, khắc phục suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Đây là sự tiếp nối nhưng có sự mở rộng hơn so với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) có nêu: "Thực hiện quy trình nhân sự theo hướng những người được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm phải trình bày đề án hoặc CTHĐ trước khi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định".
CTHĐ của cá nhân cán bộ là những việc làm mà người cán bộ tự đề ra khi đảm nhận một vị trí công tác nào đó. Nó giống như một "bản cam kết", một "lời hứa" khi thực hiện nhiệm vụ. Thông qua CTHĐ và việc thực hiện CTHĐ, những người có liên quan sẽ biết được năng lực, khả năng, phẩm chất của người cán bộ đó, từ đó sẽ có căn cứ để đánh giá đầy đủ, khách quan hơn. Việc đưa tiêu chí về CTHĐ làm căn cứ quan trọng để đánh giá cán bộ là rất cần thiết, là sự cụ thể hóa quy trình đánh giá cán bộ theo hướng chặt chẽ, khách quan. Nếu làm tốt việc này sẽ góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, tìm ra những người có đủ năng lực, phẩm chất, ý thức trách nhiệm, "nói đi đôi với làm" để bố trí vào vị trí xứng đáng, phù hợp. Thực thi hiệu quả tiêu chí này còn giúp khắc phục một số hạn chế trong công tác cán bộ đã nêu rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là: "Đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ. Một số cơ chế, chính sách trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa công bằng".
Tới đây, các cơ quan có thẩm quyền sẽ thể chế hóa nghị quyết này. Việc đánh giá cán bộ căn cứ vào tiêu chí CTHĐ sẽ có hướng dẫn thực hiện cụ thể hơn. Chúng tôi cho rằng CTHĐ của một cán bộ trước khi được đề bạt, luân chuyển, điều động phải nói rõ được những việc làm mới, thiết thực, "ích nước lợi nhà", góp phần vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương mà người đó sẽ đảm nhiệm vị trí công tác. CTHĐ cần đề ra mục tiêu cụ thể, được "lượng hóa" để thuận lợi khi giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, tránh tình trạng cái gì cũng chung chung. Bởi vì những cái chung chung sẽ rất khó nhận xét, đánh giá, là nơi "ẩn nấp" của những yếu kém, trì trệ.
Ngoài CTHĐ ở vị trí công tác mới, việc đề bạt cán bộ cũng cần căn cứ vào việc đánh giá kết quả thực hiện CTHĐ ở vị trí công tác mà người cán bộ đó đang nắm giữ. Những cán bộ thực hiện tốt CTHĐ của mình ở vị trí đang đảm nhiệm sẽ có nhiều khả năng để được bố trí vị trí mới quan trọng hơn. Ngược lại, những cán bộ đề ra CTHĐ hay nhưng thực hiện lại dở thì phải cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng, không nên bố trí ở vị trí công tác quan trọng.
Việc đề ra CTHĐ không khó, điều quan trọng nhất là thực hiện nó thế nào. Do vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần có cơ chế để giám sát, đánh giá việc thực hiện CTHĐ. Từ đó tìm ra những cán bộ "vừa hồng, vừa chuyên", thực sự giúp ích cho đất nước, đồng thời loại bỏ những cán bộ làm việc thiếu trách nhiệm, kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm.
TUẤN NGUYÊN