"Bác Hồ thăm Côn Sơn" - Một bài thơ tinh tế

31/05/2013 17:18

Với cách viết giản dị, chân chất, mộc mạc nhà thơ Tế Hanh như đưa người đọc đến với tấm bia Côn Sơn, đến với nơi Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi từng ẩn dật và khi đã đến nơi rồi thì như vẫn hiện đâu đây hình bóng Bác Hồ đang chăm chú đọc bia. Và cũng thật diệu kỳ, tấm bia như cái gạch nối giữa hai vĩ nhân, ở hai thời khắc của lịch sử: “Nguyễn Trãi xưa đánh Minh/Bác Hồ nay đánh Mỹ”, nhưng thời gian vẫn được nối liền, mặc dù đã cách nhau tới năm thế kỷ: “Năm thế kỷ nối liền/Hai con người vĩ đại”.    

Nhà thơ tinh tế, cô đọng, giàu sức liên tưởng khi chỉ nhìn vào “mắt” Bác Hồ chăm chú đọc bia, mà như thấy in hình lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc suốt năm thế kỷ, với những con người làm rạng danh non sông, đất nước: “Nhìn mắt Bác chăm chú/Đọc tấm bia Côn Sơn/Thấy in hình lịch sử/Những đỉnh cao tâm hồn”. Thơ giản dị, khái quát và gợi mở. Giữa vùng đất Côn Sơn núi non hùng vĩ, phong cảnh hữu tình, hai con người, hai vĩ nhân Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh, cách nhau năm thế kỷ, nhưng giữa Bác Hồ và Nguyễn Trãi vẫn dính kết keo sơn, bởi cùng con Lạc cháu Hồng, cùng vì nền độc lập, tự do dân tộc, chỉ khác “Nguyễn Trãi xưa đánh Minh/Bác Hồ nay đánh Mỹ”. Nhưng giữa hai con người vĩ đại ấy vẫn có tâm hồn đồng điệu, đồng chí hướng, soi vào nhau, bổ sung cho nhau, làm giàu có và phong phú thêm tính cách, tâm hồn Việt Nam:“Hai cuộc đời soi nhau/Giữa núi non hùng vĩ”, thơ thật hàm súc và khái quát.

Bám sát sự chân thật là sự kiện Bác Hồ về thăm và đọc bia Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, nhưng mạch thơ lại được đan cài chặt và tinh, đang từ thật bỗng chuyển sang ảo một cách rất tự nhiên. Chẳng hạn khổ thơ này: “Trong tiếng suối rì rào/Trong tiếng thông vi vút/Nghe âm vang đổi trao/Những hùng ca dân tộc”. Đọc hai câu đầu ngỡ như tả cảnh núi rừng Côn Sơn với tiếng suối, tiếng thông reo, nhưng nhà thơ lại bỗng chuyển cảm xúc, suy nghĩ sang tầm khái quát mang ý nghĩa sâu xa: "Nghe âm vang đổi trao/Những hùng ca dân tộc", thì đúng là lịch sử với những chiến công hiển hách luôn hòa quyện trong cỏ cây hoa lá núi sông này. Hai chữ “đổi trao” thật gần gũi, hòa quyện, tiếp nối và bổ sung cho nhau, làm thành bản “hùng ca dân tộc” mãi mãi “âm vang” khắp non sông đất nước. Hầu như ở khổ thơ nào người đọc cũng gặp sự cô đọng, khái quát, gợi liên tưởng và giàu ý nghĩa như thế. Còn khổ kết thì lại được nhà thơ dụng công trong việc dùng chữ nghĩa. Hai câu đầu khổ kết được lặp lại hai câu đầu ở khổ đầu: "Bác Hồ thăm Côn Sơn/Nơi ẩn xưa Nguyễn Trãi", như nhấn mạnh sự kiện mang đầy ý nghĩa là Bác Hồ thăm nơi Nguyễn Trãi xưa từng ở. Đến hai câu tiếp theo ở khổ kết nhà thơ cũng chỉ thay ở mỗi câu hai chữ: “Năm thế kỷ nối liền/Hai con người vĩ đại”, nhưng người đọc lại thấy như không còn “năm thế kỷ” nữa, mà chỉ còn “Hai con người vĩ đại” đang gặp nhau kia.

Bài thơ có sáu khổ, được viết theo thể thơ ngũ ngôn (năm chữ) giản dị, khái quát mà chau chuốt, lại dễ đọc, dễ hiểu. Lối thơ tự sự được triệt để khai thác, làm khắc họa rõ nét từ ngoại hình đến nội tâm nhân vật, nhưng vẫn mang tính ước lệ cao, gợi sự liên tưởng: "Nhìn mắt Bác chăm chú/Đọc tấm bia Côn Sơn/Thấy in hình lịch sử/Những đỉnh cao tâm hồn". Đọc thơ mà cảm giác như nhìn thấy Bác đang đọc bia ở Côn Sơn vậy.

CAO NĂM

Bác Hồ thăm Côn Sơn

Bác Hồ thăm Côn Sơn
Nơi ẩn xưa Nguyễn Trãi
Năm thế kỷ đã qua
Giữa hai người vĩ đại.

Nhìn mắt Bác chăm chú
Đọc tấm bia Côn Sơn
Thấy in hình lịch sử
Những đỉnh cao tâm hồn.

Nguyễn Trãi xưa đánh Minh
Bác Hồ nay đánh Mỹ
Hai cuộc đời soi nhau
Giữa núi non hùng vĩ.

Trong tiếng suối rì rào
Trong tiếng thông vi vút
Nghe âm vang đổi trao
Những hùng ca dân tộc.

Từ Bình Ngô đại cáo
Kết thúc thắng giặc Minh
Đến Tuyên ngôn độc lập
Mở ra từ Ba Đình.

Bác Hồ thăm Côn Sơn
Nơi ẩn xưa Nguyễn Trãi
Năm thế kỷ nối liền
Hai con người vĩ đại.

TẾ HANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Bác Hồ thăm Côn Sơn" - Một bài thơ tinh tế