Cha mẹ thông minh sẽ biết quản lý những việc cần quản lý và buông bỏ những việc cần buông bỏ.
Nhà tâm lý học người Anh Sylvia từng nói: "Tình yêu thực sự của cha mẹ là để đứa trẻ tách khỏi cuộc sống của họ như một cá thể độc lập. Sự phân tách này diễn ra càng sớm thì bạn càng là cha mẹ thành công".
Trên thực tế, cha mẹ chính là người thầy quan trọng nhất của con cái. Cha mẹ hiện đại quan tâm nhiều hơn đến việc học tập của con, nhưng đôi khi kiểm soát quá mức có thể gây phản tác dụng.
Nếu muốn giáo dục những đứa trẻ thành công, bố mẹ phải bỏ qua ba việc này.
Không lo lắng những điều trong khả năng của trẻ
Trẻ nhỏ có năng khiếu bắt chước và chúng học được những khả năng nhất định bằng cách quan sát hành vi của cha mẹ.
Chẳng hạn, trẻ sẽ học cha mẹ cách làm việc nhà, dọn dẹp nhà cửa. Tuy nhiên, một số người lo lắng con sẽ bị thương, bị mệt nên ngăn chúng lại khi muốn bắt chước hành động của mình. Nếu sự lo lắng này kéo dài cho đến khi trẻ lớn lên sẽ chuyển thành sự nuông chiều.
Những đứa trẻ được sống trong sự bao bọc, nuông chiều quá mức sẽ hình thành tính cách ích kỷ, bướng bỉnh và thiếu kỹ năng sống cần thiết, lâu dài cản trở sự phát triển bình thường.
Thay vì bảo vệ trẻ mọi nơi và ngăn cản mọi thứ, tốt hơn hết bố mẹ nên buông tay và để trẻ làm những việc trong khả năng của mình để phát triển sức mạnh trí não và rèn luyện khả năng thực hành của bản thân. Dù vậy, cha mẹ cũng nên ở bên đồng hành và hỗ trợ con khi cần thiết.
Không can thiệp vào việc trẻ mang lại lợi ích cho người khác
Một số trẻ sống khép kín và không thích gần gũi người khác, trong khi số khác lại nhiệt tình, hào phóng và cởi mở trong các mối quan hệ. Một phần nguyên nhân của sự khác biệt tính cách này đến từ di truyền nhưng phần lớn đến từ sự giáo dục của cha mẹ.
Nhiều cha mẹ cho rằng thời gian của con nên tập trung vào việc học. Điều này có thể cản trở khả năng giao tiếp của con và không thể khiến trẻ thấm nhuần được các khái niệm như "chia sẻ", "giúp đỡ" hay "quan tâm". Cách dạy dỗ này sẽ tạo ra một đứa trẻ chỉ chú ý đến bản thân hơn là quan tâm tới người khác. Những đứa trẻ như vậy không muốn giao tiếp, chỉ làm mọi thứ một mình. Cuộc sống tương lai của chúng chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Bởi vậy, trẻ cần được giáo dục về việc "cho đi" và biết cách giúp đỡ người khác để có thể phát triển một tâm lý lành mạnh. Khi trẻ giúp đỡ người khác với ý định tốt tức là trẻ đang đạt được thành tựu của chính mình.
Không lo lắng về những sáng tạo của trẻ
Ngay từ khi chào đời, trẻ đã có tính tò mò và có cách quan sát cũng như khả năng tư duy độc lập của riêng mình. Khả năng bẩm sinh này khiến chúng có những ý tưởng và giải pháp riêng khi gặp vấn đề, dù người lớn có thể thấy vô lý.
Đôi khi những sản phẩm của trẻ khiến người lớn không hiểu gì nhưng đừng chê bai hay dè bỉu mà vô tình làm mất đi cảm hứng sáng tạo ở trẻ. Điều cha mẹ phải làm là tôn trọng con, khuyến khích con phát triển tư duy, cố gắng đối mặt với vấn đề và nghĩ ra giải pháp. Nhiều người lớn quá hào phóng với hình phạt, chê bai trẻ và tiết kiệm quá đáng những lời khen, sự khuyến khích. Điều này làm mất đi chất xúc tác kì diệu nuôi dưỡng hành vi sáng tạo ở trẻ.
Trong quá trình trẻ trưởng thành, cha mẹ cũng nên nhắc nhở con không nên dao động khi đã có lựa chọn của chính mình.
Theo VnExpress