Tuần trước, Hải quân Mỹ đã triển khai cùng lúc ba tàu do thám đến các vùng biển gần Trung Quốc - động thái mà giới phân tích cho là nhằm tăng cường khả năng tác chiến chống tàu ngầm.
Theo dữ liệu giám sát của Tổ chức Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) có trụ sở tại Bắc Kinh, kể từ ngày 17.3, ba tàu giám sát Mỹ đồng loạt hoạt động ở trong và gần Biển Đông. Cụ thể, tàu khảo sát đại dương USNS Bowditch ở vùng biển phía Nam đảo Hải Nam của Trung Quốc; tàu giám sát đại dương USNS Effective ở vùng biển phía Bắc bãi cạn Scarborough và tàu giám sát đại dương USNS Loyal ở vùng biển phía Đông đảo Đài Loan.
Động thái này diễn ra sau khi Hải quân Mỹ thừa nhận thiếu sót vì để xảy ra vụ va chạm của tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut ở Biển Đông.
Nhiều năm gần đây, lực lượng Hải quân Mỹ thường xuyên cử các tàu do thám đến gần Trung Quốc, song thật bất thường khi thấy nhiều tàu xuất hiện cùng lúc như hiện nay.
Bản báo cáo công bố ngày 24.3 của SCSPI lưu ý rằng tàu khảo sát đại dương chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ như thăm dò địa hình dưới nước và khảo sát thủy văn, còn tàu giám sát đại dương chịu trách nhiệm trinh sát các mục tiêu dưới nước và hỗ trợ tác chiến chống tàu ngầm.
Một chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên nhận định với tờ Global Times rằng việc các tàu do thám Mỹ hoạt động gần Trung Quốc cho thấy Lầu Năm Góc đang đề phòng nguy cơ chiến tranh dưới nước, hay một cuộc xung đột tiềm tàng với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Trước tình hình tiềm lực về tên lửa diệt hạm của Bắc Kinh đang phát triển nhanh chóng, Washington nhận thấy tàu mặt nước của họ sẽ không thể hoạt động kéo dài xung quanh Trung Quốc được nữa.
Với vụ tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Seawolf, USS Connecticut bị va chạm với vật thể ngầm ở Biển Đông tháng 10.2021, Hải quân Mỹ thừa nhận rằng cần phải nắm rõ hơn về tình hình dưới nước ở trong và gần vùng biển rộng lớn này để giảm thiểu rủi ro cho tàu chiến. Chuyên gia quân sự trên đồng thời lưu ý rằng Mỹ đang nỗ lực tìm kiếm và theo dõi hoạt động của các tàu ngầm Trung Quốc.
Và giới phân tích Trung Quốc cảnh báo nếu Hải quân Mỹ giành được “chỗ đứng” ở Biển Đông, điều đó có thể đe dọa nghiêm trọng đến Trung Quốc. Do vậy, Bắc Kinh cần nâng cao mức cảnh giác và chuẩn bị sẵn sàng.
Ngày 20.3, Đô đốc John C. Aquilino, Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đã đích thân tham gia một cuộc do thám trên không tại vùng biển quan trọng này. Một ngày sau đó, lần đầu tiên Hải quân Mỹ quyết định điều căn cứ di động viễn chinh USS Miguel Keith đến Biển Đông.
Những điều này cho thấy chính quyền Tổng thống Joe đã kiên quyết để mắt tới Trung Quốc, bất chấp cuộc khủng hoảng địa chính trị đang diễn ra ở nhiều nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như xung đột tại Ukraine.
Chuyên gia Fu Qianshao nhận xét những động thái kể trên của Mỹ đã đi ngược lại các cuộc đàm phán tích cực gần đây giữa nhà lãnh đạo cấp cao hai nước.
Theo Báo Tin tức