Nên điều chỉnh nhiệt độ phòng ở 28 độ C vì sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn, cải thiện làn da và hạn chế hiện tượng rụng tóc.
Sử dụng điều hòa không đúng cách có thể tác động đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình, nhất là trong nhà có trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Người dùng có thể áp dụng 3 mẹo sau để vừa tiết kiệm điện, vừa khoẻ mạnh.
Điều chỉnh nhiệt độ từ 26-28 độ C
Trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có thể dao động từ 35-37 độ C, có nơi trên 40 độ C. Bước vào phòng cảm giác quá nóng, nhiều người dùng đặt nhiệt độ thấp từ 16-18 độ C để giải nhiệt nhanh, không nhận ra thói quen này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.
Thay đổi nhiệt độ đột ngột, đặc biệt mức chênh lệch lớn sẽ làm cơ thể không kịp thích nghi, có thể dẫn tới tình trạng cảm cúm, nhức đầu và bị ngất do sốc nhiệt.
Theo các chuyên gia y tế, nhiệt độ trong phòng nên chênh lệch tối đa khoảng 8-10 độ C so với không gian bên ngoài. Nếu nhiệt độ vào những ngày nắng nóng là 37 độ C, người dùng nên điều chỉnh điều hòa từ 25-27 độ C là thích hợp.
Chiến dịch Cool Biz do Bộ Môi trường Nhật Bản khởi xướng từ năm 2005 gợi ý nên để nhiệt độ phòng ở mức 28 độ C. Nếu vẫn cảm thấy nóng, dùng quạt gió sẽ giúp giải toả cảm giác nóng nhanh hơn.
Mức 28 độ C được xác nhận là giúp máu trong cơ thể lưu thông tốt hơn, cải thiện làn da, hạn chế rụng tóc, đồng thời tăng năng suất làm việc.
Nhà có trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 36 tháng tuổi thì lựa chọn phù hợp là 28-30 độ C, khung nhiệt độ này tạo không gian đủ mát và không gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp của bé.
Người dùng cân nhắc lựa chọn dòng sản phẩm trang bị chế độ dành riêng cho trẻ em. Ở chế độ này, điều hòa thổi ra luồng không khí dọc theo trần thay vì thổi trực tiếp xuống sàn nhà, phù hợp cho trẻ em, người cao tuổi hoặc người có sức khoẻ yếu không chịu được nhiệt độ quá lạnh.
Chiến dịch Cool Biz do Bộ Môi trường Nhật Bản khởi xướng từ năm 2005 gợi ý nên để nhiệt độ phòng ở mức 28 độ C |
Sử dụng linh hoạt các chế độ làm lạnh
Thời tiết mùa nóng thường có diễn biến phức tạp, ngày nắng gắt không khí sẽ hanh khô, ngày mưa nhiều độ ẩm sẽ tăng cao. Người dùng nên linh hoạt sử sụng các chế độ làm lạnh, giúp tạo ra môi trường không khí mát mẻ và đảm bảo sức khoẻ.
Các dòng điều hòa phổ biến hiện nay thường có 3 chế độ chính: chế độ tự động Auto, chế độ làm lạnh nhanh Cool và chế độ giảm ẩm Dry.
Chế độ Cool đòi hỏi máy nén khí và quạt hoạt động với công suất cao để nhanh chóng hạ nhiệt độ xuống như mức yêu cầu. Ở chế độ Dry, điều hòa vẫn chạy nhưng có công dụng hút khí ẩm trong phòng ra ngoài và thổi luồng khí khô hơn trở lại.
Vì ít tiêu tốn điện năng hơn, nhiều người dùng có xu hướng chọn chế độ Dry trong những ngày nắng nóng. Tuy nhiên, để xác định chế độ nào phù hợp nhất, người dùng phải dựa vào thông tin độ ẩm trong không khí.
Nếu độ ẩm vượt mức 60-70%, chế độ Dry nên được sử dụng. Trong những ngày độ ẩm dưới 60%, nên để ở chế độ Auto hoặc chế độ Cool thông thường.
Đơn giản hơn, người dùng có thể tham khảo các ứng dụng điều khiển đi kèm. Những ứng dụng được sử dụng trên smartphone, có khả năng cung cấp các chỉ số môi trường, giúp người dùng lựa chọn các chế độ làm lạnh thích hợp.
Ứng dụng trên smartphone giúp điều khiển từ xa thông qua Internet và kiểm tra hoạt động của điều hòa |
Vệ sinh điều hòa thường xuyên
Các dòng khí đi qua điều hòa mang theo nhiều loại bụi bẩn với kích thước khác nhau, thường tích tụ ở lớp màng lọc và hệ thống quạt. Lớp bụi này lâu ngày sẽ làm bộ lọc bị tắc, luồng khí di chuyển khó khăn, khiến điều hòa phải làm việc vượt công suất, rất hao tốn điện năng.
Ngoài ra, khi bụi bao phủ xung quanh dàn nóng khiến máy nén và hệ thống quạt mất dần khả năng tạo nhiệt, điều này làm giảm chức năng làm mát.
Điều hòa không chỉ có công dụng làm mát, thiết bị này còn giúp lọc không khí trong nhà sạch sẽ, thoáng mát. Bụi bẩn tích tụ trên bộ lọc không khí lâu ngày có thể trở thành nơi phát triển cho các loại nấm mốc, vi khuẩn và vi trùng phát triển.
Lớp bụi tích tụ ở màng lọc làm luồng không khí di chuyển khó khăn hơn, gây lãng phí điện năng |
Theo nhà sản xuất, nếu điều hòa ở hộ gia đình chỉ hoạt động 6-8 giờ mỗi ngày thì nên vệ sinh định kỳ 6 tháng/lần. Đối với các khu vực công ty, nhà hàng, thời gian vệ sinh định kỳ gợi ý là 3 tháng/lần. Đối với cơ sở sản xuất, xí nghiệp có tần suất hoạt động liên tục, nên vệ sinh hằng tháng.
Dàn nóng của điều hòa bắt đầu kêu to và dàn lạnh có hiện tượng rò rỉ nước ở vòi chảy là 2 dấu hiệu phổ biến cho thấy đã đến lúc cần vệ sinh điều hòa.
Theo Zing