Những người có chế độ ăn uống cân bằng thường khỏe hơn nhờ hệ miễn dịch tốt hơn và giảm các yếu tố nguy cơ mắc bệnh mạn tính cũng như các bệnh lý nhiễm trùng.
Chế độ ăn cân bằng, lành mạnh sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng
Ăn đa dạng các loại thực phẩm tươi, sống, uống đủ nước, ăn ít chất đường, chất béo và muối... sẽ giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Ăn thực phẩm tươi sống mỗi ngày
Ăn trái cây, rau xanh, các thực phẩm thuộc họ đậu (đậu lăng, đậu đen...), các loại hạt và ngũ cốc nguyên cám (các loại chưa qua chế biến như bắp, hạt kê, lúa mì, yến mạch, gạo lứt hoặc những loại tinh bột từ các loại củ như khoai tây, khoai lang, khoai sọ, sắn) và nguồn thực phẩm từ động vật (thịt, cá, trứng và sữa).
Mỗi ngày ăn 2 ly trái cây (4 khẩu phần), 2,5 chén rau xanh (5 khẩu phần), 180g ngũ cốc, 160g thịt và đậu (thịt đỏ có thể ăn 1-2 lần/tuần, thịt gia cầm có thể ăn 2-3 lần/tuần).
Đối với bữa ăn nhẹ, nên chọn rau xanh và trái cây tươi hơn là những thức ăn chứa nhiều đường, chất béo hoặc nhiều muối. Tránh nấu rau xanh và trái cây quá kỹ sẽ làm mất đi những vitamin quan trọng.
Khi sử dụng các loại rau quả đóng hộp hoặc sấy khô, nên chọn đa dạng nhiều loại khác nhau mà không thêm muối hoặc đường.
Uống đủ nước mỗi ngày
Nước rất cần thiết cho sự sống. Nước giúp vận chuyển chất dinh dưỡng và chất chuyển hóa trong máu, điều hoà nhiệt độ cơ thể, loại bỏ chất thải, tạo chất nhờn và chất đệm cho khớp.
Nên uống 8-10 ly nước mỗi ngày. Bên cạnh nước lọc, có thể sử dụng những loại thức uống khác như nước ép từ rau củ và trái cây (ví dụ nước chanh pha loãng với nước và không ngọt), trà và cà phê... Song lưu ý không uống quá nhiều thức uống chứa caffein và thức uống chứa nhiều đường như nước ép trái cây ngọt, nước ngọt có ga, si rô, nước ép trái cây cô đặc.
Hạn chế sử dụng các thức uống chứa hàm lượng đường cao (nước ép trái cây, si rô hoặc nước ép trái cây cô đặc, sữa tổng hợp có đường, sữa chua).
Ăn lượng vừa phải chất béo và dầu
Nên ăn thực phẩm chứa chất béo không bão hòa (cá, bơ, các loại hạt, dầu olive, dầu nành, dầu hạt cải, dầu hạt hướng dương, dầu bắp) hơn là thực phẩm chứa chất béo bão hòa (thịt mỡ, bơ, dầu cọ hoặc dầu dừa, phô mai, kem, bơ tinh, mỡ động vật).
Lựa chọn loại thịt trắng (như thịt gia cầm) và cá vì ít chất béo hơn là thịt đỏ. Tránh các loại thịt chế biến sẵn vì nhiều mỡ và muối.
Đối với sữa, nếu có thể, hãy chọn những loại sữa hoặc thực phẩm từ sữa chứa ít béo hoặc giảm béo.
Tránh các loại thực phẩm công nghiệp chứa chất béo chuyển - thường có trong thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đồ ăn vặt, đồ chiên, pizza đông lạnh, bánh quy, bánh nướng, bơ thực vật và các loại bơ phết bánh mì.
Ngoài ra khi nấu hoặc chuẩn bị thức ăn, nên hạn chế dùng muối và gia vị chứa nhiều muối như nước mắm, nước tương. Hạn chế lượng muối nhập vào mỗi ngày dưới 5g (xấp xỉ 1 muỗng cà phê) và sử dụng muối iot. Tránh thức ăn chứa nhiều muối và đường như snack.
Theo Tuổi trẻ