Bão số 6 (Nesat) có thể đạt sức gió mạnh nhất cấp 13, giật cấp 15 trên Biển Đông ngày 17-18.10. Chuyên gia đưa ra 3 kịch bản của bão khi tiến sát đất liền nước ta.
Hình ảnh vệ tinh bão Nesat vừa vào Biển Đông chiều 16.10. Ảnh: NICT |
Chiều 16.10, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) cho biết bão Nesat đã vượt qua đảo Luzon (Philippines), vào khu vực bắc Biển Đông.
Đây là cơn bão số 6 trong năm nay hoạt động tại khu vực và xuất hiện chỉ sau 3 ngày bão số 5 (Sonca) suy yếu.
Lúc 16h, bão Nesat duy trì cường độ mạnh nhất cấp 10-11, giật cấp 13. Chiều và đêm nay, bão đi theo hướng tây tây bắc với vận tốc 10 km/h.
Trong hai ngày 17-18.10, Nesat khả năng tiếp tục mạnh lên và có thể đạt sức gió mạnh nhất cấp 13, giật cấp 15 ở bắc Biển Đông. Chuyên gia nhận định bão có hướng di chuyển không ổn định với hai hướng đi chủ đạo là tây tây bắc và tây tây nam.
"Sau thời điểm đạt cường độ mạnh cấp 13, bão khả năng suy yếu dần khi vào vùng biển Trung Bộ do ảnh hưởng không khí lạnh", ông Hưởng nhận định.
Dự báo đường đi của bão số 6 trên Biển Đông. Ảnh: VNDMS |
Chuyên gia phân tích bão số 6 có những điểm đặc biệt so với những cơn bão khác.
Cụ thể, do vượt qua phía bắc của đảo Luzon và đi vào vùng biển thoáng, không bị ma sát bởi mặt đất nên bão số 6 không bị mất năng lượng. Khi vào Biển Đông, cường độ của bão giữ cấp 10-11.
Đồng thời, phía bắc đang có những đợt không khí lạnh mạnh di chuyển xuống và các đợt lạnh liên tục được bổ sung. Sự tương tác khiến hoàn lưu và cường độ của bão có sự thay đổi.
Theo ông Hưởng, phần lớn cơn bão sẽ yếu đi khi có sự tương tác với không khí lạnh. Nhưng trường hợp không khí lạnh không đủ mạnh, bão có thể không suy yếu nhiều và vẫn ảnh hưởng tới đất liền với cường độ mạnh.
Về tác động của bão số 6 tới đất liền, chuyên gia đưa ra 3 kịch bản.
Kịch bản một với xác suất xảy ra lớn nhất là 50-60%, bão tương tác với không khí lạnh và giảm cấp nhanh trước khi đi vào vùng biển Trung Bộ. Hình thái này sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới hoặc vùng áp thấp khi vào đất liền.
Kịch bản hai là trường hợp cực đoan khi không khí lạnh yếu đi, bão có thể di chuyển thẳng vào miền Trung với cường độ mạnh cấp 9-10.
Kịch bản ba, khi di chuyển đến khu vực phía nam của đảo Hải Nam và tương tác với không khí lạnh cường độ mạnh, bão tan nhanh trước khi vào đất liền. Nếu trường hợp này xảy ra, mưa và gió sẽ không đáng kể trên đất liền Trung Bộ.
Chuyên gia khuyến cáo người dân cần liên tục theo dõi các thông tin tiếp theo về cơn bão để cập nhật.
Trước mắt, cơ quan khí tượng lưu ý ảnh hưởng của bão khiến khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 9-10, sau tăng lên cấp 11-13, giật cấp 15. Sóng cao 5-7 m, vùng gần tâm bão 8-10 m.
Khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh. Gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng cấp 8, giật cấp 10. Sóng cao 3-5 m.
Chỉ trong vòng 3 tuần (25.9-16.10), Biển Đông hứng liên tiếp 3 cơn bão là Noru, Sonca và Nesat. Ảnh hưởng của hai cơn bão trước đó gây ra các đợt mưa lũ cho khu vực Trung Bộ, trọng tâm vùng ảnh hưởng từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và bắc Tây Nguyên.
Chuyên gia cho biết từ ngày 17.10, miền Trung giảm mưa, hửng nắng. Người dân có 3 ngày đầu tuần tới (17-19.10) để dọn dẹp sau mưa lũ, trước khi có thể chịu ảnh hưởng của bão số 6.
Theo Zing