Các đơn kiện tập trung vào sắc lệnh hành pháp về việc hủy bỏ quyền công dân theo nơi sinh. Đây được xem là động thái sớm của Đảng Dân chủ để chống lại chương trình nghị sự của Tổng thống Trump tại tòa án.
Ngày 21/1 theo giờ địa phương, các bang do Đảng Dân chủ lãnh đạo và các nhóm bảo vệ quyền dân sự đã đồng loạt khởi kiện nhằm ngăn chặn sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Các đơn kiện này tập trung vào sắc lệnh hành pháp về việc hủy bỏ quyền công dân theo nơi sinh. Đây được xem là động thái sớm của Đảng Dân chủ để chống lại chương trình nghị sự của Tổng thống Trump tại tòa án.
Sau lễ nhậm chức ngày 20/1, Tổng thống Trump, thuộc Đảng Cộng hòa, đã ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan liên bang từ chối công nhận quyền công dân của trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Mỹ nếu cả cha lẫn mẹ không phải là công dân Mỹ hoặc thường trú nhân hợp pháp.
22 bang do Đảng Dân chủ lãnh đạo, cùng với Washington, D.C. và TP San Francisco, đã đệ đơn kiện tại các tòa án liên bang ở Boston và Seattle, cáo buộc rằng Tổng thống Trump đã vi phạm Hiến pháp Mỹ.
Ngoài ra, Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ (ACLU), các tổ chức bảo vệ quyền của người nhập cư và một phụ nữ mang thai cũng đệ đơn kiện chỉ vài giờ sau khi ông Trump ký sắc lệnh, khởi đầu cuộc chiến pháp lý lớn đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống này.
Theo Văn phòng Tổng chưởng lý Massachusetts Andrea Joy Campbell, nếu sắc lệnh của Tổng thống Trump có hiệu lực, hơn 150.000 trẻ em sinh ra mỗi năm tại Mỹ sẽ bị tước quyền công dân. "Tổng thống Trump không có quyền tước bỏ các quyền hiến định", bà Campbell tuyên bố.
Việc mất quyền công dân sẽ khiến các cá nhân này không được hưởng các chương trình liên bang như bảo hiểm y tế Medicaid, cũng như không thể làm việc hợp pháp hoặc bỏ phiếu khi trưởng thành.
Tổng chưởng lý bang New Jersey Matthew Platkin khẳng định: "Tuyên bố kiện ngay lập tức hôm nay gửi đi một thông điệp rõ ràng đến chính quyền Tổng thống Trump rằng chúng tôi sẽ bảo vệ quyền cơ bản của cư dân chúng tôi".
Nhà Trắng hiện chưa phản hồi trước các thông tin trên.
Các vụ kiện lập luận rằng sắc lệnh của ông Trump đã vi phạm điều khoản công dân trong Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, quy định bất kỳ ai sinh ra trên lãnh thổ Mỹ đều được coi là công dân.
Đơn kiện cũng trích dẫn phán quyết năm 1898 của Tòa án Tối cao Mỹ trong vụ United States v. Wong Kim Ark, khẳng định rằng trẻ em sinh ra tại Mỹ từ cha mẹ không phải là công dân vẫn có quyền được công nhận là công dân Mỹ.
Ba trong số bốn vụ kiện đã được đệ trình tại Massachusetts và New Hampshire. Các phán quyết từ các bang này sẽ được xem xét bởi Tòa phúc thẩm số 1, có trụ sở tại Boston, nơi tất cả các thẩm phán hiện tại đều do Đảng Dân chủ bổ nhiệm.
Bốn bang khác đã nộp đơn kiện riêng biệt tại Washington, thuộc thẩm quyền của Tòa phúc thẩm số 9 có trụ sở tại San Francisco. Tòa án này từng nhiều lần cản trở chương trình nghị sự của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu, mặc dù thành phần thẩm phán đã thay đổi nhờ các bổ nhiệm của ông Trump.
Ngoài các vụ kiện liên quan đến quyền công dân, một số vụ kiện khác cũng đang được tiến hành, bao gồm đơn kiện từ Liên minh Nhân viên kho bạc quốc gia nhằm phản đối sắc lệnh hành pháp của ông Trump cho phép sa thải dễ dàng các nhân viên liên bang và thay thế bằng những người trung thành về chính trị.
Dự kiến sẽ có thêm nhiều vụ kiện từ các bang do Đảng Dân chủ lãnh đạo và các nhóm vận động thách thức các khía cạnh khác trong chương trình nghị sự của ông Trump, với các vụ kiện đã được nộp lên để thách thức Bộ Hiệu quả Chính phủ do Giám đốc điều hành (CEO) của công ty xe điện Tesla, tỷ phú Elon Musk lãnh đạo.