Giới công nghệ và các nhà hoạch định chính sách đã nghĩ tới việc triển khai công nghệ 4G. Và thời điểm chín sẽ là năm 2015?
2G bão hòa, 3G bứt phá chất lượng, thuê bao
Cuối tháng 7-2014, VinaPhone công bố các chuyên gia kỹ thuật của nhà mạng đã thử nghiệm thành công cho phép download dữ liệu 3G với tốc độ tối đa lên đến 42Mbps. Ở thời điểm đó, VinaPhone đã là nhà mạng đầu tiên triển khai thử nghiệm thành công việc tăng tốc độ truy cập 3G lên 42Mbps. Trước đây, trong môi trường lý tưởng, khi chưa có DC-HSDPA, để download một bộ phim có dung lượng 5Gbits phải mất thời gian ít nhất 12 phút 42 giây, thì giờ, khi VinaPhone thử nghiệm thành công DC-HSDPA hỗ trợ tốc độ tối đa 42Mbps thì thời gian download giảm chỉ còn 2 phút 7 giây.
VinaPhone đã thử nghiệm thành công việc tăng tốc độ truy cập 3G tại một số trạm thu phát sóng tại 3 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh. VinaPhone đặt mục tiêu tới đầu năm 2015 việc tăng tốc độ truy cập 3G lên 42Mbps sẽ được triển khai rộng khắp trên toàn quốc cho toàn bộ gần 13.000 trạm 3G của mình. Hơn thế nữa, VinaPhone hiện đang phối hợp với các nhà cung cấp thiết bị để thử nghiệm nâng cao tốc độ truy cập 3G lên 84Mbps để tiếp tục khẳng định vị trí mạng di động có tốc độ 3G nhanh nhất hiện nay.
Không chỉ nỗ lực triển khai bứt phá về chất lượng, 2014 cũng là năm số lượng thuê bao 3G đã thực sự bùng nổ với những tăng trưởng ấn tượng. Báo cáo Sơ kết công tác quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, 6 tháng đầu năm 2014, hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet của Việt Nam tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là mạng di động 3G. Trong khi thuê bao (phát sinh lưu lượng) điện thoại di động 2G từ đầu năm giảm khoảng 5 triệu thuê bao, thuê bao 3G lại tăng khoảng trên 3 triệu thuê bao. Số thuê bao di động phát sinh lưu lượng hiện nay là 121,12 triệu thuê bao, trong đó 20% là thuê bao 3G.
Gần đây nhất, theo số liệu được công bố bởi Sách Trắng CNTT-truyền thông 2014, năm 2013, thuê bao 3G tăng thêm 4 triệu (tương đương mức tăng 25,4%) lên 19,7 triệu. Bên cạnh tăng trưởng về thuê bao, doanh thu của các nhà mạng từ 3G cũng tăng rất cao. Dù chưa có thống kê chính thức, nhưng với đà tăng trưởng này, 2014 cũng là năm doanh thu và số lượng thuê bao 3G của các nhà mạng có nhiều bứt phá.
Cơ hội cho 4G - LTE?
Ở thời điểm 3G đang có sự phát triển mạnh mẽ, thêm một lần nữa, câu chuyện khi nào Việt Nam sẽ lên 4G vốn đã được nhắc tới trong vài năm trở lại đây lại tiếp tục được đặt ra. Tại sự kiện Internet Day 2014 diễn ra mới đây tại TP.HCM, bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay, 4G/LTE tại Việt Nam sẽ được thử nghiệm ở băng tần 1800MHz vào năm 2015. Dự kiến, công nghệ này sẽ chính thức cấp phép hoạt động vào năm 2016. Tuy nhiên, thời điểm các doanh nghiệp viễn thông cung cấp ra thị trường còn phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu người dùng.
Ở thị trường Việt Nam là vậy, còn theo Ericsson Mobility Report, tới năm 2019, thế giới sẽ có 9,3 tỷ thuê bao di động và 65% dân số thế giới sẽ có vùng phủ sóng LTE. Trên thực tế, sự ra đời của LTE không phải là một cuộc cách mạng mà là một bước phát triển kế tiếp vì phần lớn thiết bị có thể tái sử dụng, với lộ trình công nghệ nâng cấp linh hoạt giữa các dịch vụ 2G, 3G và 4G.
Tính tới tháng 3-2014, đã có 279 mạng LTE thương mại trên 101 quốc gia và 482 mạng trên 147 quốc gia cam kết sẽ triển khai LTE. Để xây dựng mạng LTE cần nhiều thành tố: 1 Trạm phát EnodeB, thông qua mạng truyền dẫn IP tốc độ cao, kết nối với mạng lõi, trong đó bao gồm hệ thống IMS để cung cấp dịch vụ thoại Volte và các dịch vụ đa phương tiện khác.
Theo chuyên gia của Ericsson, LTE đặc biệt cần thiết đối với các dịch vụ cần tốc độ và dung lượng rất cao về dữ liệu, nhạy cảm về độ trễ như truyền hình tương tác, blogging video di động, chơi game cao cấp và dịch vụ chuyên nghiệp như của ngành an ninh quốc phòng, hàng không. LTE cung cấp dịch vụ băng rộng với tốc độ cao nhất hiện nay. Tốc độ cao đó đạt được nhờ sử dụng nhiều băng thông hơn cho mỗi kết nối, hệ thống đa ăng ten, mã hóa hiệu qủa hơn và nhận gửi dữ liệu.
Lợi ích của LTE là tăng chất lượng đối với các dịch vụ lướt web, dịch vụ trực tuyến nhờ vào độ trễ thấp và hầu như không bị trễ, vùng phủ sóng cho ứng dụng tốt hơn bảo đảm cho các ứng dụng đa phương tiện hoạt động tốt ở tốc độ upload hoặc download, nâng cao chất lượng thoại và giảm thời gian thiết lập cuộc gọi. LTE tương thích với cơ sở hạ tầng viễn thông hiện tại và toàn bộ hệ sinh thái.
Để giải được bài toán lợi nhuận khi cung cấp dịch vụ 4G/LTE, theo ông Jan Wassenius, Tổng Giám đốc Ericsson Việt Nam và Myanmar, các nhà khai thác Việt Nam cần phải có phương pháp mới trong việc đánh giá khả năng vận hành và chất lượng trải nghiệm của người dùng, từ đó xây dựng, quản lý mạng hiệu quả, đạt được lợi nhuận.
Đặc biệt, việc thiết kế các dịch vụ dành cho người tiêu dùng luôn cần phải đạt tiêu chí cá nhân hóa, lấy người dùng làm trung tâm, với các dịch vụ ưu việt dựa trên cách tính cước và quản lý tối ưu là yếu tố rất quan trọng trong việc phát triển dịch vụ công nghệ 4G. Đồng thời các nhà khai thác luôn cần phải hợp tác hiệu quả với những công ty hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế các ứng dụng, cung cấp dịch vụ nội dung…
Hiền Mai(VnMedia)