Đó là việc ĐT Việt Nam có kết quả thi đấu tệ hại tại AFF Cup 2012, nhiều đội bóng phải giải thể, tranh chấp bản quyền truyền hình...
Năm 2012 khép lại tràn ngập thất bại và tranh cãi thay vì thành công và hạnh phúc đối với bóng đá Việt Nam. Chỉ trong vòng 12 tháng qua, đội tuyển Việt Nam và U23 quốc gia đã phải thay tới 2 HLV. Và cuộc tranh cãi liên miên về bản quyền truyền hình bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam giữa AVG và VPF chẳng ngờ lại là dấu hiệu về một cuộc tháo chạy của các ông bầu bóng đá, để lại sau lưng một nền bóng đá lâm vào khủng hoảng vì thiếu định hướng chiến lược.
Bóng đá Việt Nam 2012 mở đầu bằng những sự kiện không biết nên buồn hay vui: vụ tranh chấp bản quyền truyền hình bóng đá giữa Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Công ty cổ phần Truyền thông và viễn thông An Viên (AVG); Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Việt Nam Trần Quốc Tuấn và HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, U23 Falko Goetz tuyên bố từ chức sau thất bại của đội U23 tại SEA Games. Đây đều là những sự kiện vắt ngang từ 2011 qua 2012. Và khó ai ngờ, đó sẽ là những sự kiện ảnh hưởng một cách hệ thống tới đời sống của làng bóng đá Việt Nam trong những tháng, ngày tiếp theo.
Ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch AVG trong một cuộc họp báo về bản quyền truyền hình (ảnh: Quang Trung) |
Ở thời điểm đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty VPF, ông Võ Quốc Thắng, khẳng định “hợp đồng giữa VFF và AVG sẽ kìm hãm sự phát triển của bóng đá Việt Nam” và dự báo “mùa 2013 có thể lên tới 36 đội”. “Nếu hợp đồng này không được xem xét thì nó sẽ là sự kìm hãm đối với sự phát triển của BĐVN. Và cái lo cụ thể hơn, khái niệm thương quyền mà VFF bán cho AVG quá rộng, ảnh hưởng lớn đến sự tác nghiệp của truyền thông.
Tất cả mọi vấn đề đều bị lệ thuộc và còn những 19 năm nữa nên chúng tôi thấy phải có trách nhiệm xem xét, kiến nghị đến các cơ quan quản lý, bộ ban ngành liên quan với những cái bất hợp lý để cuối cùng tìm được tiếng nói chung, hài hòa giữa các bên. Mục tiêu của chúng tôi là làm sao cho bóng đá Việt Nam phát triển, không có thắng thua ở đây và cũng chẳng có cuộc chiến nào cả”.
Ngay cả khi Trưởng đoàn Thanh tra của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch khẳng định tính hợp pháp của bản hợp đồng giữa VFF – AVG, rằng “VFF có đủ thẩm quyền trong việc chuyển nhượng quyền sở hữu đối với các giải bóng đá thuộc VFF cho Công ty cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên (AVG); VFF cũng đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo đúng các quy định của pháp luật và các quy định của tổ chức này khi ký kết hợp đồng với An Viên”, cuộc chiến pháp lý tay ba giữa AVG – VFF – VPF vẫn còn tiếp diễn. Và mùa bóng 2013 có 32 hay 36 đội bóng tham dự hay không thì chúng ta đều đã rõ.
Điều chắc chắn thay đổi một cách hệ thống, đó là người hâm mộ bóng đá được xem nhiều trận bóng đá hơn vào các ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật… trên truyền hình. Nhưng các sân vận động ngày càng vắng khán giả hơn vì truyền hình hay vì chất lượng các trận đấu ngày càng xuống thấp, vẫn còn là câu hỏi dai dẳng.
ĐT Việt Nam cúi đầu rời AFF Suzuki Cup 2012 (ảnh: Minh Hoàng) |
Vào tháng 7, bất kỳ cổ động viên bóng đá Việt Nam nào cũng chắc mẩm về khả năng vào chung kết AFF Cup 2012 của đội tuyển, sau khi lá thăm đưa đội tuyển Việt Nam nằm cùng bảng với Philippines, Thái Lan và Myanmar, trong khi bảng còn lại gồm Lào, Malaysia, Indonesia, Singapore. Sự thực không như mong đợi. Hàng loạt HLV Việt Nam khi nói về kết quả bốc thăm đều bày tỏ thái độ thận trọng, như phát biểu của ông Phan Thanh Hùng, người vào thời điểm đó vẫn chưa được lựa chọn làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam.
Còn HLV Trần Công Minh của CLB Cao su Đồng Tháp nhận định: Ở Đông Nam Á chỉ có ngần đó đội bóng thôi, nếu mình muốn đạt thành tích tốt thì mình không được phép ngại đối thủ nào. Có điều là lần này mình phải thi đấu trên sân khách, may là trình độ hiện nay của các đội cũng không chênh lệch nhau là mấy. Trước khi bốc thăm, mình cũng đoán được khoảng 60% là sẽ gặp đối thủ nào, bởi chỉ còn ngần đó đội mà thôi, cũng không có gì là bất ngờ hết. Đội nào có sự chuẩn bị tốt, hôm đó có phong độ tốt và tận dụng hết cơ hội thì sẽ thành công thôi.
Những phân tích của họ đã được chứng thực bằng kết quả thi đấu tệ hại của đội tuyển tại AFF Cup 2012, 4 tháng sau đó. Chính bản thân HLV Phan Thanh Hùng cũng không thể ngờ được các học trò của mình lại có những màn trình diễn tồi tệ, “ngoài tưởng tượng” tới như vậy.
HLV Phan Thanh Hùng bị sa thải và chỉ trích nặng nề sau AFF Suzuki Cup 2012 (ảnh: Xuân Sơn) |
Thực tế, thất bại của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup, trong tháng 11 và 12 đã được lường trước. Vào tháng 9, ông Đỗ Quang Hiển, vẫn được gọi là “bầu” Hiển, rút lui khỏi bóng đá với tuyên bố thoái hoàn toàn vốn tại 2 CLB Hà Nội – T&T và SHB – Đà Nẵng.
Vào tháng 10, trước thềm lễ tổng kết mùa giải 2012, không CLB bóng đá Việt Nam nào đáp ứng được các tiêu chí chuyên nghiệp mới mà VFF, VPF dự kiến áp dụng từ mùa bóng 2013: ngân sách 25 tỷ/mùa, kế đến là 3 tuyến trẻ và các qui định về “mức lương trần, sàn” cho cầu thủ; có đến 2/3 các CLB hạng Nhất và V-League chưa có tài trợ. Và trong lúc các cầu thủ Việt Nam rối bời tinh thần vì nguy cơ thất nghiệp, Liên đoàn bóng đá Việt Nam buộc phải lùi thời điểm đăng ký bốc thăm mùa giải mới, vì không thể xác định chính xác số đội bóng sẽ tham dự vào năm tới.
Tất cả chỉ trở nên rõ ràng khi Liên đoàn bóng đá Việt Nam tiến hành tổng kết thất bại của đội tuyển Việt Nam, xác nhận chủ trương tiếp tục tìm kiếm HLV nội cho đội tuyển Việt Nam, U23 quốc gia và bác bỏ ý tưởng đưa đội U22 tham dự V- League. Bóng đá Việt Nam vốn trở thành “con tin” của các ông bầu được giải cứu.
Mùa bóng đá 2013 sẽ khởi tranh vào tháng 3, với 12 đội dự V- League, 8 đội dự hạng Nhất và 1 kế hoạch “phong trào hóa” bóng đá chuyên nghiệp. Theo đó, có tới 5 đội hạng Nhì lên thi đấu tại giải hạng Nhất, 3 đội hạng Nhất lên chơi tại V-League từ mùa 2014. Kế hoạch này được ông Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục – Thể thao giải thích là “thể theo nguyện vọng của lãnh đạo nhiều đội bóng, vì phong trào và đảm bảo nhiệm vụ chính trị - xã hội, nên chúng tôi quyết định như vậy”.
Cứ như vậy, bóng đá Việt Nam khép lại mùa 2012 với những cảm xúc trái ngược nhau, không biết nên vui hay nên buồn.
Thành Lương(VOV)