20 năm V.League lên chuyên nghiệp: Bước đột phá nền tảng

13/01/2021 14:00

Hai mươi năm xây dựng bóng đá chuyên nghiệp, giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam (V.League) đã có nhiều thay đổi để bắt kịp với dòng chảy của thời cuộc.


Khoác lên mình tên mới

Bóng đá từng rất được đam mê ở nước ta ngay cả thời bao cấp khi khán giả thường đội nắng đến sân chật kín trước hàng giờ đồng hồ để kiếm chỗ đẹp nhằm xem một trận đấu. Nhưng trong cơ chế “tự cung tự cấp” ấy, bóng đá khó phát triển để có thể bắt kịp thời đại cũng như đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả nếu như không được “cởi trói” về cơ chế.

Trong dòng phát triển của bóng đá thời cuộc, quá trình chuyên nghiệp hóa các giải bóng đá tầm câu lạc bộ trong nước như là một sự tất yếu phải diễn ra. Thay cho cơ chế bao cấp khi chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách của nhà nước, các đội bóng phải sống bằng nguồn thu của các doanh nghiệp. Trên ý tưởng ấy, V.League đã bắt đầu hình thành kể từ mùa giải 2001. Trải qua 20 mùa giải, V.League cũng đã có những bước đột phá mạnh mẽ và đã từng được ca ngợi là giải đấu số 1 Đông Nam Á dù vẫn còn nhiều thay đổi để hoàn thiện hơn theo thời gian. 

Cái thay đổi lớn nhất chính là nhà tổ chức giải đấu đã không phải xin tiền từ ngân sách nhà nước. Thay vào đó, V.League đã dùng hình ảnh của chính mình để đổi lấy tiền tài trợ nhằm phục vụ cho việc tôn vinh chính hình ảnh của V.League. Trong 20 mùa giải qua, đã có 11 nhà tài trợ đến gắn bó với sân chơi số 1 của bóng đá Việt Nam. Có thể kể đến như Strata, Sting, Kinh Đô, Petro Việt Nam Gas, Eurowindow, Number One, Eximbank, Toyota, Nuti Café, Wake 24-7 hay mới nhất là LS.

Đây được coi là thành quả của việc “lấy bóng đá nuôi bóng đá”. Không chỉ đủ tiền để tổ chức giải đấu, V.League hàng năm còn mang về cho VFF 10 tỷ đồng để phục vụ cho công tác đào tạo trẻ. Nhưng trong dòng chảy ấy, những biến cố liên tục xuất hiện, đặt V.League trước yêu cầu mang tính tất yếu là phải thay đổi để công tác tổ chức của V.League phù hợp với tình hình thực tế hơn. Từ đó dẫn tới sự ra đời của Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) vào năm 2012 sau khi được Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) giao quyền tổ chức V.League. VPF sinh ra trên cơ sở sự góp vốn của các đội bóng góp mặt ở V.Leage. Các câu lạc bộ có  nghĩa vụ phải thực hiện cũng như được hưởng các quyền lợi được tạo ra từ đơn vị tổ chức V.League.

Cả Viettel lẫn Hà Nội FC (giữa) đều xếp nhóm trên ở V.League 2020 để rồi được đi đua tranh vô địch - Ảnh: Đức Cường
Cả Viettel lẫn Hà Nội FC (giữa) đều xếp nhóm trên ở V.League 2020 để rồi được đi đua tranh vô địch 

Những “chế tài” cần thiết 

Trải qua một thời gian đánh giá, nhà tổ chức đã đưa ra những “chế tài” nhất định như một điều kiện cần để được quyền góp mặt ở V.League. Trong bối cảnh nhiều đội bóng gặp khó khăn, không đảm bảo đủ chi tiêu, V.League đã đặt ra một con số cụ thể thông qua việc các đội phải chứng minh được nguồn thu đủ để duy trì hoạt động của một đội bóng trong một mùa. Theo đó, số tiền 35 tỷ đồng đã được Ban tổ chức đưa ra như một “mức sàn” trong việc chi tiêu. Ngày nay khi đồng tiền trượt giá, chi phí cho các khoản đều tăng vọt nên nhiều đội đã phải chi cao gấp đôi con số trên. 

Một yêu cầu được đặt ra trong quá trình chuyên nghiệp hóa ở các đội là phải có lực lượng trẻ. Cụ thể, các đội buộc phải có các lứa cầu thủ trẻ để tham gia các giải đấu trẻ trong hệ thống thi đấu trẻ của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Đây là việc làm hết sức cần thiết nhằm giúp cho các đội bóng có nguồn kế thừa vững chãi. Thực tế trước đây, người xem chỉ thấy một số địa phương như Nghệ An, Nam Định, Đà Nẵng, Đồng Tháp là có làm đào tạo trẻ bài bản. Nhưng trong quá trình phát triển với V.League, nhiều trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hiện đại khác như PVF, Viettel, Hoàng Anh Gia Lai JMG, Học viện Juventus Việt Nam… ra đời bên cạnh các địa phương truyền thống. Các trung tâm đã đào tạo được rất nhiều cầu thủ tốt, có căn cơ nên V.League đã được hưởng lợi khi đội hình ra sân của nhiều đội ngày càng được trẻ hóa. Không phải đợi đến 24-25 tuổi, ngày nay, V.League thậm chí đã là đất diễn cho những cầu thủ 17-18 tuổi.

Không chỉ vấn đề tuyến trẻ, các yếu tố để trở thành một CLB chuyên nghiệp như hệ thống sân bãi theo tiêu chuẩn của AFC cũng đòi hỏi các đội bóng phải ngày càng hoàn thiện dần. Chưa đạt được chuẩn do Liên đoàn bóng đá châu lục đề ra trong những lần cấp phép nhưng có thể thấy, cơ sở vật chất như các phòng chức năng, hệ thống dàn đèn, mặt cỏ… đã ngày càng được cải thiện đáng kể, giúp cho bộ mặt của V.League trở nên sáng sủa, đẹp đẽ hơn trong mắt không chỉ khán giả trong nước mà còn cả khán giả quốc tế. Từ những thay đổi ấy, hình ảnh của V.League cũng đã ngày càng được đánh giá cao hơn trên trường quốc tế.  

Thay đổi để hợp thời cuộc

Trong thời bao cấp khi điều kiện kinh tế khó khăn, di chuyển chủ yếu bằng ô tô và các đội bóng phải thắt lưng buộc bụng nên nhà tổ chức đã có lúc phân chia các đội bóng theo khu vực địa lý để tranh tài. Nhưng một giải đấu chuyên nghiệp phải bắt đầu bằng cách xếp lịch thi đấu sao cho đảm bảo được sự công bằng nhất giữa sân nhà và sân khách, các đội bóng phải giáp mặt nhau… 

Khi có nguồn tài chính mạnh mẽ hơn, các đội thường di chuyển bằng máy bay  nên thể thức sân nhà - sân khách được áp dụng xuyên suốt V.League cho đến tận mùa giải 2020. Tuy nhiên dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, buộc VPF phải tùy cơ ứng biến để thích nghi với thời cuộc. Khi quỹ thời gian không có nhiều, đơn vị tổ chức đã buộc phải thay đổi thể thức thi đấu, đá vòng tròn 1 lượt tính điểm, sau đó tách thành 2 nhóm để đua tranh. 

Theo Bongdaplus

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    20 năm V.League lên chuyên nghiệp: Bước đột phá nền tảng