19 tháng 5 - Ngày lịch sử

19/05/2010 06:13

Ngày19 tháng 5, ngày mà từ một làng quê hẻo lánh bên dòng sông Lam trên đấtNam Đàn, một người mẹ nhân từ như bao người mẹ Việt Nam, nhưng đã sinhcho đất nước một người con có nghị lực phi thường.<!--Session data-->

Đã là người Việt Nam trọng đạo nghĩa, không mấy ai không cảm nhận một cách trọn vẹn, sâu sắc cái ngày diệu kỳ và rất đỗi thiêng liêng: Ngày 19 tháng 5, ngày mà từ một làng quê hẻo lánh bên dòng sông Lam trên đất Nam Đàn, một người mẹ nhân từ như bao người mẹ Việt Nam, nhưng đã sinh cho đất nước một người con có nghị lực phi thường, đã cùng với Đảng vĩ đại và nhân dân anh hùng làm thay đổi tiến trình lịch sử, mở ra kỷ nguyên mới độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho tất thảy mọi người dân đất Việt. Từ đấy, mỗi dịp ngày 19 tháng 5 đến là tất thảy mọi người, từ miền xuôi đến miền ngược, nam-phụ-lão-ấu, trong sâu thẳm cõi lòng lại hướng về Bác Hồ với lòng kính yêu, trân trọng, nhớ thương. Mỗi độ 19 tháng 5 về là dịp cả nước dấy lên phong trào hành động cách mạng và tưng bừng không khí ngày lễ hội.


Lại một dịp 19 tháng 5 đến với mọi người Việt Nam yêu nước. 19 tháng 5 năm nay tròn 120 năm, từ làng Hoàng Trù, Kim Liên, chàng trai Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời, và cũng là sự báo hiệu cho toàn dân tộc ta một con người vĩ đại, vị cứu tinh dân tộc đã về đây! 19 tháng 5 năm nay cũng đúng 41 năm toàn Đảng, toàn dân ta kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ trong niềm nhớ thương vô hạn. Càng thương, càng nhớ Bác đi xa, lại càng như thấy Người vẫn đứng giữa cháu con bắt nhịp kết đoàn, chia bánh kẹo, gửi hoa tươi cho người có công với nước, cho bộ đội, công nhân và cả những cụ già, em thơ nơi làng quê xa vắng.

19 tháng 5 năm ấy, cách đây 41 năm, kỷ niệm sinh nhật cuối cùng của Bác Hồ kính yêu. Hôm ấy, như bao ngày của tháng 5 năm 1969, đất trời Thủ đô trải vàng nắng và gió, đây đó trên trời cao cành phượng vĩ la đà xoè sắc hoa đỏ thắm đón mùa hạ đến. Những ngày tháng 5 năm ấy, đất trời như gần gũi, thiêng liêng hơn.

Đến năm ấy là đã 23 năm, kể từ ngày 19 tháng 5 năm 1946. Bấy giờ, Cách mạng Tháng Tám mới thành công, khó khăn còn chồng chất, giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm hoành hành, đất nước đang trong hoàn cảnh "nghìn cân treo sợi tóc". Là người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh dồn hết tâm sức chèo chống con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh. Nhưng nhân dân, những người trong giờ phút lịch sử trên Quảng trường Ba Đình, chỉ bằng câu hỏi giản dị, khiêm nhường của Người: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?", đã nhận thức sâu sắc tình cảm giữa vị Chủ tịch nước với nhân dân là một, nên ngày 19 tháng 5 năm 1946, đồng bào Thủ đô tổ chức tuần hành biểu dương lực lượng để chúc mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh 56 tuổi, cũng là biểu thị ý chí của nhân dân ủng hộ nền Cộng hoà non trẻ, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Đấy là lần đầu tiên nhân dân ta chúc mừng ngày sinh của lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh. Cũng từ đấy, ngày 19 tháng 5 đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam ta với bao ý nghĩa và tình cảm sâu xa.

Lại một ngày 19 tháng 5 đến rồi đây! Đúng 41 năm Bác Hồ đi xa. Nhưng đất trời tháng 5 này vẫn như ngày ấy, nắng đổ vàng như hoà cùng màu lúa chín, báo hiệu lại một mùa lúa bội thu. Như vẫn còn kia bóng dáng Bác Hồ từ trên nhà sàn đi xuống, khoan thai qua rặng râm bụt ra bờ ao. Và kia nữa, bên cái bàn trúc Người đang ngồi đọc báo, chốc chốc lại cầm cây chì đỏ gạch dưới bài viết về tấm gương đồng bào, chiến sĩ ta làm được việc tốt. Bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác Hồ vẫn hằng quan tâm tất thảy mọi lớp người, mọi công việc. Chính Bác Hồ là người khởi xướng và lãnh đạo nhân rộng phong trào học tập và noi gương "người tốt, việc tốt", tính từ năm 1959, Người bắt đầu thưởng huy hiệu, đến trước ngày đi xa, đã có 5.000 người thuộc mọi ngành nghề, lứa tuổi được Bác Hồ thưởng huy hiệu của Người, chưa kể còn hàng trăm trường hợp Bác Hồ khoanh bút đỏ yêu cầu hỏi lại để thưởng huy hiệu.

Lại một dịp 19 tháng 5 - Ngày lịch sử đang đến  đây!
Mỗi dịp 19 tháng 5 về, lòng mỗi người càng thêm bồi hồi nhớ Bác!
Ngày 19 tháng 5 năm ấy, cách nay đúng 41 năm!

Như bao buổi sáng tháng 5 khác, Bác Hồ vẫn ung dung với công việc mà từ mồng 10 tháng 5 năm 1965 lại đây, hằng năm, cứ vào dịp 19 tháng 5, chính xác là từ ngày 10 đến ngày 19, Bác Hồ lại dành trọn một tiếng, từ 9  đến 10 giờ, để viết Di chúc "Để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng". Sáng ấy, đúng 9 giờ Bác Hồ lại ngồi vào bàn với sự tập trung cao độ trí tuệ và sức lực vào cây bút, trang giấy. Bởi, như chúng ta biết, đối với Bác Hồ mỗi chữ, mỗi câu, thậm chí mỗi cái dấu ngắt câu, xuống dòng, đều được Người suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi viết. Thế nên, có ngày ngồi cả tiếng đồng hồ Bác chỉ thay một chữ; lại có ngày sau một giờ ngồi chăm chú đọc và suy ngẫm, Bác cũng không thêm hoặc bớt một chữ nào. Nhờ sự tập trung cao độ trí tuệ và sức lực như thế của Bác Hồ, mà ngày nay chúng ta không những được thừa hưởng nội dung vô cùng phong phú, đa dạng của Di chúc, mà còn được thưởng thức một áng văn tuyệt vời trong sáng, hàm xúc, nếu không muốn nói là mẫu mực ở thể loại này.

19 tháng 5 - Ngày lịch sử, lại đang đến đây kia!

Kể từ ngày 19 tháng 5 năm 1946, nhân dân ta lần đầu tiên kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi năm cứ đến ngày này, toàn Đảng, toàn quân và dân ta lại như được sống trong không khí lễ hội đặc biệt, với tình cảm chân thành, thiêng liêng muốn làm việc gì có ý nghĩa để kính dâng lên Người, như một sự tỏ lòng thành kính, biết ơn. Bởi từ bao năm nay, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã trở thành niềm tự hào của người dân một nước Việt Nam độc lập, tự do, từ trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người dân đất Việt, Bác Hồ đã "Là người cha, là bác, là anh; Quả tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ" (thơ Tố Hữu). Thế nên, ai cũng thấy sinh nhật Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh như sinh nhật chính mình.

19 tháng 5 - trở thành ngày lịch sử của cả dân tộc.

Tuỳ bút của CAO NĂM

(0) Bình luận
19 tháng 5 - Ngày lịch sử