Hôm nay, Hà Nội và 14 tỉnh thành miền Bắc, miền Trung ghi nhận mức nhiệt 36-38 độ C, khả năng nắng nóng còn kéo dài 1-2 ngày nữa.
Người dân đi đường dưới nắng nóng ở Hà Nội, chiều 18.7
Lúc 13h, dù chưa phải thời điểm nóng nhất trong ngày, hệ thống quan trắc của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia ghi nhận 10 tỉnh thành miền Bắc, 5 tỉnh miền Trung nắng nóng từ 36 độ trở lên. Nóng nhất là huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, hơn 38 độ C. Tại Hà Nội, hai điểm đo Hà Đông và Láng hơn 37 độ C. TP Hòa Bình nóng xấp xỉ 38 độ C, huyện Lạc Sơn hơn 37 độ C. Các tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình cũng ghi nhận mức nhiệt 37 độ C.
Tại miền Trung, TP Vinh (Nghệ An) nóng nhất, hơn 38 độ C. Hai huyện Hồi Xuân, Tĩnh Gia của tỉnh Thanh Hóa xấp xỉ 38 độ, các huyện còn lại của Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế duy trì mức 37 độ C. So với các đợt nắng nóng tháng 6, mức nhiệt trên không quá cao, tuy nhiên trời đặc biệt oi bức, khó chịu. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia lý giải do độ ẩm không khí thấp, dao động 45-65%, thời gian nhiệt độ trên 35 độ kéo dài từ 11 đến 17 giờ. Ngoài ra, ban đêm trời nhiều mây, khả năng phát xạ mặt đất giảm, lượng nhiệt được giữ lại ở lớp sát mặt đất nhiều hơn.
Dự báo, ngày 20.7 miền Bắc sẽ kết thúc nắng nóng; miền Trung chỉ còn cục bộ một vài nơi. Cơ quan khí tượng tiếp tục cảnh báo nguy cơ cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cháy rừng ở miền Trung. Những người tiếp xúc với lâu với nền nhiệt cao có thể bị mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt. Mùa nắng nóng ở miền Bắc bắt đầu vào cuối tháng 4, tập trung nhiều vào tháng 5, 6, 7. Năm nay do tác động của La Nina nên tháng 5 miền Bắc vẫn mát mẻ, tháng 6 mới bắt đầu nắng nóng. Dự báo nhiệt độ trung bình tháng 7 ở miền Bắc và Trung xấp xỉ trung bình nhiều năm; tháng 8-9 cao hơn khoảng 0,5 độ C. Tây Nguyên và Nam Bộ nhiệt độ tháng 7-9 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm 0,5 độ C.
Theo VnExpress