Qua khảo sát, các công trình phía Trung Quốc đã tác động đáng kể tới lượng phù sa, bùn cát, làm giảm hơn 50% tổng lượng phù sa hàng năm của lưu vực sông Mekong...
Các thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong ảnh hưởng rất lớn đến mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long
Sau khi Ủy ban sông Mekong (Lào) gửi kế hoạch triển khai dự án thủy điện Luang Prabang, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức tham vấn các sở ngành để hạn chế tác động môi trường do thủy điện này gây ra cho Việt Nam vào sáng 4.11.
Theo thông tin phía Lào cung cấp, công trình này nằm hoàn toàn trên lãnh thổ Lào, thuộc tỉnh Luang Prabang. Vị trí thi công trình cách biên giới Việt Nam 1.785km, dự kiến sẽ khởi công vào năm 2020 và đưa vào vận hành năm 2027.
Theo hiệp định Mekong 1995, một quốc gia có sử dụng nguồn lợi trên sông Mekong khi muốn xây dựng công trình thì phải tham vấn trước, cung cấp số liệu và thông tin cho Ủy hội sông Mekong quốc tế.
Việc cung cấp thông tin này là cơ sở để các quốc gia ven sông khác có thể trao đổi, đánh giá tác động đến nước họ, đồng thời làm cơ sở đi đến thỏa thuận chung.
Qua khảo sát kế hoạch Ủy ban sông Mekong (Lào), Ủy ban sông Mekong (Việt Nam) nhận thấy vẫn còn nhiều điều bất ổn cần điều chỉnh.
Cụ thể về vấn đề thủy văn, thủy lực phía Lào mới chỉ tính toán số liệu đến phần chân đập mà chưa tính toán được tác động của dòng chảy sau công trình, quy trình vận hành hồ còn rất sơ sài, chưa nêu rõ hệ thống theo dõi, giám sát.
Về lượng phù sa, bùn cát phía Lào mới chỉ lên kế hoạch tính toán tại vị trí lòng hồ, còn phía hạ lưu vẫn chưa đưa ra được mô hình tính toán.
Yếu tố chất lượng nước và sinh thái vẫn chưa mô tả chi tiết phương pháp khảo sát, lấy mẫu và phân tích. Các đánh giá mà nước bạn đưa ra còn mang tính định tính.
Về nguồn lợi thủy sản, nước bạn chưa tính toán tới tác động xuyên biên giới, chưa phân tích được tác động của việc thay đổi chế độ thủy văn tới nơi cư trú, bãi đẻ của các loài thủy sản.
Về mặt kinh tế xã hội chỉ mới tính toán tới tác động đối với vùng dự án mà chưa tính toán tới tác động đến các quốc gia lân cận.
Với vai trò đóng góp 38% cổ phần vào dự án, Việt Nam sẽ tổ chức 3 lần dự thảo xây dựng báo cáo kỹ thuật để tiến tới có báo cáo kỹ thuật hoàn chỉnh cuối cùng vào tháng 3.2020. Đồng thời tổ chức 2 hội thảo vùng để tham vấn ý kiến cộng đồng tại Hà Nội và Cần Thơ trước khi có cuộc họp đóng góp ý kiến đối với nước bạn.
Hiện tại trên hệ thống sông Mekong từ đầu nguồn đến nước ta đã có 11 công trình thủy điện do Trung Quốc xây dựng và đưa vào vận hành. Khu vực Lào, Thái Lan, Campuchia đang có kế hoạch xây dựng thêm 11 công trình nữa.
Qua khảo sát, các công trình phía Trung Quốc đã tác động đáng kể tới lượng phù sa, bùn cát, làm giảm hơn 50% tổng lượng phù sa hàng năm của lưu vực sông Mekong và tác động này không thể khắc phục do các công trình phía Trung Quốc đã hoàn thành.
Theo Tuổi trẻ