Thấm thoát đã 100 ngày kể từ ngày Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần. Hai tập sách đã ra mắt để tưởng nhớ ông.
Hai tập sách mới về cố Thủ tướng Phan Văn Khải - Ảnh: NGUYỄN HẢI
Nỗi xúc động sâu xa từ lễ quốc tang vừa trang trọng vừa ấm áp, vừa nghiêm cẩn vừa giản dị vẫn chưa nguôi. Hình ảnh những bàn thờ dọc ngõ vào ấp Chánh, dòng người đứng suốt dọc đường đến Củ Chi, ngôi mộ trong vườn nhà bên người bạn đời vẫn còn in trong lòng những người thân thiết, yêu kính ông.
Không hẹn mà gặp, đúng dịp 100 ngày này, hai tập sách đã được ra mắt để tỏ lòng tưởng nhớ của những người đi sau: Thủ tướng Phan Văn Khải - Một đời vì nước, vì dân và Phan Văn Khải - Nhà lãnh đạo kỹ trị, đổi mới và nhân hậu.
Nhà nước nhỏ - xã hội lớn
Lật mở. Trong cả hai cuốn sách, một đời hoạt động sôi nổi của ông được tái hiện. Hình ảnh Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Khải khánh thành kênh Đông - Củ Chi giữa một "rừng" thanh niên xung phong, cầm chiếc loa tay trò chuyện tại Nông trường Đồng Rùm, Tây Ninh; Thủ tướng Phan Văn Khải ở công trình thủy lợi Dầu Tiếng, thủy điện Yaly, đường Hồ Chí Minh, đường bộ qua đèo Hải Vân, đê sông Hồng; Thủ tướng trong phòng họp Quốc hội, giữa các nguyên thủ quốc gia tại ASEAN; Chuyến công du đầu tiên của nguyên thủ quốc gia Việt Nam đến Mỹ... Dấu ấn ông để lại trên đất Việt Nam, cho người Việt Nam thật không nhỏ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đúc kết những dấu ấn ấy của người tiền nhiệm: ổn định và phát triển, mở cửa và hội nhập, phát triển doanh nghiệp doanh nhân, kỹ trị, nêu cao tinh thần đoàn kết - thống nhất, gắn bó mật thiết với nhân dân.
Ông viết: "Chín năm trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, Anh đã góp phần đặt nền móng vững chắc cho quan điểm phát triển bền vững và chú trọng hiệu lực, hiệu quả của chỉ đạo, điều hành, thực thi chính sách, trong đó minh chứng cụ thể là tăng trưởng GDP bình quân hằng năm đạt khoảng 7%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, nợ công không quá 50% GDP. Các định hướng, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... đã trở thành những kinh nghiệm tốt cho Chính phủ và các thế hệ lãnh đạo sau này".
Giới doanh nhân, doanh nghiệp đông đảo và mạnh mẽ hôm nay sẽ nhớ Thủ tướng Phan Văn Khải qua quyết tâm xây dựng, ban hành và dần hoàn thiện Bộ luật doanh nghiệp, từng bước cân bằng lại chính sách giữa các khu vực kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, bãi bỏ gần 500 giấy phép con để cải thiện môi trường kinh doanh.
Tư tưởng "nhà nước nhỏ - xã hội lớn", "người dân được làm những gì mà luật không cấm" từ đó đã có chỗ dựa để đấu tranh với cơ chế "xin - cho". Những bước đi đầy khó khăn của thời kỳ đổi mới ấy được viết lại bởi các tên tuổi quen thuộc: Trần Đức Nguyên, Phạm Chi Lan, Lê Đăng Doanh, Trần Xuân Giá... càng khẳng định thêm vai trò của người lãnh đạo đi đầu.
Bầu nhiệt huyết to lớn
"Khi anh Sáu Khải quyết định gì đó quan trọng, có người chỉ nhìn vẻ ngoài thấy như thiếu tính đột phá, trong khi sự thật là anh thận trọng, chắc chắn và hiệu quả. Ở tầm vóc lãnh đạo, Chính phủ cần có những người như vậy bên cạnh những người táo bạo. Tôi hiểu bề ngoài anh Sáu Khải có vẻ trầm, nhưng thật ra lòng anh là cả bầu nhiệt huyết to lớn vì dân vì nước...".
Lời nhận xét của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã được chứng minh bằng nhiều quyết sách thời Thủ tướng Phan Văn Khải mở cửa, dọn đường cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, tham gia kiến tạo xã hội, phát huy nội lực quốc gia.
Nhưng còn có một câu chuyện riêng được ghi lại từ lời kể của bác sĩ Trần Thế Cường, người chăm sóc sức khỏe cho ông: Năm 2010, ông Sáu bị bệnh mạch vành do xơ vữa động mạch.
Ban Bảo vệ sức khỏe trung ương họp để bàn phương án tốt nhất: sang nước ngoài thực hiện thủ thuật đặt stent mạch vành. Sau khi tham khảo các ý kiến, ông Sáu quyết định chọn Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với lý lẽ trong nước đã làm nhiều ca thành công, không cần ra nước ngoài.
Ngày nay nhắc lại, bác sĩ Cường vẫn còn xúc động: "Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là nguyên thủ tướng đầu tiên đặt stent mạch vành ở Việt Nam. Sự tin tưởng của ông với đội ngũ bác sĩ Việt Nam là niềm khích lệ rất lớn đối với ngành y chúng tôi". Bầu nhiệt huyết to lớn và tâm nguyện phát huy nội lực quốc gia của ông trong quyết định liên quan đến sinh mạng bản thân này lại thật mạnh mẽ và táo bạo.
Cũng mạnh mẽ như vậy là những bài trả lời phỏng vấn các báo quốc tế: Itar-Tass (Liên bang Nga), Hãng thông tấn báo chí Nhật Bản, Nhật báo Phố Wall (Mỹ), tạp chí Kinh Tế Viễn Đông, tạp chí Tấm Gương và nhất là bài phát biểu cuối cùng của ông trước Quốc hội năm 2006...
Đọc lại nguyên văn một lần nữa, càng thấy rõ ý nguyện mà ông đã nhắc lại trước khi từ nhiệm: "Trong thực hiện chức trách của mình, tôi luôn tâm niệm lời dạy trong di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về công việc xây dựng đất nước sau ngày kháng chiến thắng lợi. Đây là cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân".
100 ngày, gặp lại cố Thủ tướng trên trang sách, vẫn học được những điều rất mới...
Theo Tuổi trẻ